(VP luật sư Triệu Dũng)_ Nhiều Toà án đã cố tình nhập nhằng giữ chuyện báo án, trao đổi án trong nội bộ toà với duyệt trước kết qua nên án “bỏ túi” vẫn xảy ra…
Về chuyện này, không ít đại biểu Quốc hội đã lên tiếng chất vấn tại kỳ họp Quốc hội mới đây. Theo họ, “án bỏ túi” còn xảy ra khiến người dân phải đặt câu hỏi về sự công tâm trong hoạt động xét xử của ngành toà án…
Ra toà cho có lệ
Vụ án có dấu hiệu cho thấy kết quả được “duyệt” trước khi xử gần đây nhất vừa được Pháp Luật TP.HCM phản ánh. Số là trong một vụ tranh chấp, dù đã bị TAND tối cao huỷ án vì xử sai luật nhưng TAND huyện Cái Bè (Tiền Giang) vẫn xử lại như cũ. Sau đó, thẩm phán chủ toạ phiên toà thú thật với đương sự là phải xử như vậy vì “áp lực của lãnh đạo toà”, xử xong về “ngủ không được”, chỉ mong bản án của mình sẽ… bị huỷ để lương tâm đỡ day dứt! Thẩm phán này cũng phân tích những… điểm sai trong bản án này để đương sự kháng cáo.
Thật ra hiện nay, chuyện án “bỏ túi” không hiếm nhưng để “bắt tận tay, day tận mặt” thì không dễ bởi ít toà nào lại dại dột “vạch áo cho người xem lưng” như trên. Nếu có xảy ra thì nó cũng thể hiện ở nhiều hình thức và phiên xử cũng sẽ được điều khiển một cách khéo léo để “hợp thức hoá” bản án “bỏ túi”.
Theo một thẩm phán TAND tỉnh B, lãnh đạo của ông quy định những vụ đơn giản thì thôi, còn những vụ phức tạp, nhất là tranh chấp đất đai là phải trình lên lãnh đạo “xem xét”. Nhiều vụ qua trao đổi, ông đánh giá vụ việc giải quyết theo hướng A nhưng lãnh đạo lại cho rằng phải giải quyết theo hướng B! Thế là dù ấm ức ông vẫn phải giải quyết án theo ý lãnh đạo đã “vạch” ra!.
Còn một luật sư kể: ông bảo vệ nguyên đơn trong một vụ tranh chấp hợp đồng mua bán nhà tại tỉnh L. Ở phiên sơ thẩm, ông đưa chứng cứ chứng minh bị đơn vi phạm hợp đồng nhưng toà không hề đá động tới và tuyên bị đơn thắng. Bên lề, thẩm phán chủ toạ bóng gió rằng vụ này “không thể xử khác” vì lãnh đạo “quyết” rồi. Không phục, luật sư bảo nguyên đơn kháng cáo. Kết quả là toà phúc thẩm đã sửa án, cho nguyên đơn thắng vì luật sư xuất trình được “chứng cứ mới” quan trọng. Thật ta thì “chứng cứ mới” ấy chính là chứng cứ mà toà sơ thẩm cố tình không xét!
Nhiều luật sư khác khẳng định dù toà không nói ra thì việc nhận biết “án bỏ túi” cũng không khó. Đó là hội đồng xét xử không quan tâm đến diễn biến tại phiên toà, việc nghị án chỉ là hình thức nên không ít bản án tréo ngoe với biên bản phiên toà, không ăn nhập gì với nhau…
Từ trao đổi án…
Theo Luật Tổ chức TAND, Hội đồng thẩm phán, Uỷ ban thẩm phán, chánh án có trách nhiệm hướng dẫn thẩm phán áp dụng pháp luật cho thống nhất. Trong đó, chánh án là người phân công thẩm phán xét xử nên phải biết nội dung vụ án để chỉ đạo. Việc chỉ đạo này không phải là duyệt án mà là định hướng, hướng dẫn áp dụng pháp luật cho đúng. Quyền quyết định cuối cùng là của hội đồng xét xử. Nếu quyết định sai, hội đồng xét xử phải chịu trách nhiệm về phán quyết của mình.
Đây chính là điều mà Chánh án TAND TP.HCM Bùi Hoàng Danh đã khẳng định. Ông Phạm Thao, Chánh án TAND quận 2 (TP.HCM), cũng cho rằng duyệt án là áp đặt, còn trao đổi án thuộc về nghiệp vụ. Trao đổi án trước khi xử là hợp lí vì chánh án là người phân công thẩm phán mà không biết gì thì làm sao quán xuyến tình hình. Hơn nữa, trong xét xử hình sự, nếu xảy ra oan, chánh án là người chịu trách nhiệm đầu tiên nên họ phải “nắm đằng chuôi”. Mặt khác, có người đặt ra vấn đề: có người phản biện và cùng nhau bàn sâu thì rõ rang các thẩm phán sẽ nhạy hơn trong việc “soi” án để xử.
Đồng tình, bà Ngô Thị Thuận, Chánh án TAND quận 8 (TP.HCM), nói thêm, việc trao đổi án là một hình thức phân trách nhiệm xét xử để thẩm phán có trách nhiệm hơn chứ không phải là lãnh đạo toà không biết thì thẩm phán muốn xử sao cũng được. Sở dĩ phải trao đổi án trước phiên xử là do trình độ của thẩm phán không đồng đều. Vì thế đưa ra bàn bạc trước tập thể có dự giám sát của lãnh đạo là một việc nên làm.
… Nhập nhằng thành duyệt án?
Vấn đề ở đây là trao đổi án đến mức nào là hợp lí để không bị coi là duyệt án. Theo ông Thao, nguyên tắc trao đổi án là chỉ giúp thẩm phán xem xét vụ án ở nhiều góc cạnh, hạn chế sai sót chứ không bắt buộc hội đồng xét xử phải tuân theo. Bà Thuận thì cho biết trao đổi ở đây là trước một vụ việc, thẩm phán còn vướng mắc gì, thiếu kiến thức ở lĩnh vực nào thì báo cáo lãnh đạo để đưa ra hướng giải quyết chứ tuyệt nhiên không vạch ra kết quả sẵn…
Như vậy, về lí thuyết, có thể thấy rõ sự khác nhau giữa chuyện trao đổi án và duyệt án. Thông qua trao đổi, lãnh đạo toà có thể định hướng đường lối áp dụng pháp luật cho đúng đắn, còn kết quả phiên xử thế nào thì do hội đồng xét xử quyết định dựa trên diễn biến thực tế tại phiên xử. Tuy nhiên, trên thực tế, một số toà vẫn cố tình đồng nhất giữa hai việc này, kết quả là án “bỏ túi” vãn xuất hiện.
Chẳng hạn trong vụ án ở Tiền Giang nói trên, bà Nguyễn Thị Lạc, Chánh án TAND tỉnh Tiền Giang, nhận xét việc cấp trên “chỉ đạo” xét xử không vi phạm nguyên tắc, không làm mất đi tính độc lập xét xử, điều quan trọng là chỉ đạo có đúng đường lối hay không, nếu không đúng thì nên rút kinh nghiệm (?). Theo bà Lạc, vụ án này chưa gây ra hậu quả gì lớn và nghiêm trọng, chỉ là trường hợp để toà cấp dưới rút kinh nghiệm (?).
Còn Chánh án một quận tại TP.HCM khẳng định được duyệt án trong một số trường hợp đặc biệt. Loại trừ việc thẩm phán vì một động cơ cá nhân nào đó mà dẫn đến xét xử oan, sai.
Liệu việc xử án sai luật theo ý lãnh đạo, làm ảnh hưởng đến quyền lợi thiết thân của đương sự có phải là “chưa gây hậu quả gì lớn”? Liệu trường hợp thẩm phán cố tình xử oan, sai thì lãnh đạo Tòa được duyệt án trước? Nếu thế, nguyên tắc cơ bản của hoạt động tố tụng là thẩm phán, hội thẩm nhân dân xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật còn có ý nghĩa gì?
KHẢI HÀ – THANH TÙNG (Theo báo pháp luật TP.HCM ngày 6/4/2007)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|