(TDGLaw) - Chánh án TAND TP HCM nhấn mạnh án lệ đi vào đời sống cũng tức là luật đi vào đời sống, khi đó án lệ sẽ phục vụ đời sống người dân.Ngày 23-9, TAND TP HCM và Trường Đại học Luật TP HCM phối hợp tổ chức Hội thảo "Áp dụng và phát triển án lệ tại TAND hai cấp TP HCM năm 2022".
Hội thảo gồm hai phiên do PGS-TS Bùi Xuân Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP HCM; GS-TS Đỗ Văn Đại (Trường Đại học Luật TP HCM), TS Phùng Văn Hải (Phó Chánh án TAND TP HCM), ThS Phạm Như Hưng (Phó Giám đốc Học viện Toà án) đồng chủ trì.
Ở phiên thứ nhất, đội ngũ thẩm phán toà án các cấp tại TP HCM và các chuyên gia, nhà khoa học thảo luận một số vấn đề lý luận và thực trạng công tác phát triển và áp dụng án lệ của TAND hai cấp TP HCM. Phiên thứ hai, các đại biểu sôi nổi đề xuất bản án, quyết định của TAND TP HCM hai cấp làm án lệ.
Đánh giá vai trò áp dụng và xây dựng nguồn án lệ, Chánh án TAND TP Thủ Đức ông Nguyễn Thành Vinh nhấn mạnh: "Không có án lệ, chúng ta không ra biển lớn được. Tuy nhiên, trong gần 10 năm qua chúng ta chỉ có 56 án lệ. Đây là con số quá thấp".
Chánh án TAND TP Thủ Đức phân tích đội ngũ thẩm phán ngại sáng tạo trong nhận định (vì nhiều nguyên nhân), không mạnh dạn áp dụng án lệ (vì lo ngại tỉ lệ sửa, huỷ án) là những nguyên nhân "làm nghèo" nguồn án lệ trong nước. Để phát triển nguồn án lệ, ông Vinh đề xuất TAND Tối cao cần có chế độ khen thưởng, khuyến khích phù hợp đối với thẩm phán có án lệ.
Các đại biểu tham gia thảo luận tại hội thảo
Nhận định tình hình áp dụng án lệ của TAND hai cấp TP HCM thông qua hoạt động kiểm sát xét xử, đại diện VKSND TP HCM cho biết từ ngày 6-4-2016 (ngày công bố 6 án lệ đầu tiên) đến nay, Chánh án TAND Tối cao đã công bố 56 án lệ, đồng thời chỉ đạo các TAND và toà án quân sự các cấp có trách nhiệm nghiên cứu, áp dụng án lệ trong xét xử kể từ ngày 1-6-2016.
Kết quả, có 216 bản án, quyết định của TAND cấp tỉnh và 1.094 bản án, quyết định của TAND cấp huyện áp dụng án lệ. Tại TP HCM, VKSND 2 cấp đã kiểm sát 3 bản án phúc thẩm của TAND TP và 129 bản án, quyết định sơ thẩm của TAND cấp huyện có áp dụng án lệ để giải quyết các tranh chấp dân sự. Thông qua công tác kiểm sát, VKSND TP nhận thấy vấn đề áp dụng án lệ ở Việt Nam vẫn còn mới mẻ về cả lý luận lẫn thực tiễn xét xử. Trong khi đó, một bộ phận thẩm phán chưa có đủ kỹ năng, kinh nghiệm trong phân biệt tính chất vụ việc giữa án lệ và vụ việc đang giải quyết.
Ông Lê Thanh Phong, Chánh án TAND TP HCM nhấn mạnh khi án lệ đi vào đời sống, người dân sẽ được nhờ
"Để góp phần nâng cao chất lượng hoạt động áp dụng án lệ trong xét xử, VKSND TP đề xuất cần tăng cường hoạt động tổng kết thực tiễn áp dụng án lệ, xây dựng đầu mối nghiên cứu, đề xuất nguồn án lệ, phát huy năng lực của TAND 2 cấp TP HCM trong thực hiện nhiệm vụ "phát triển án lệ"; quan tâm đào tạo chuyên môn sâu về kỹ năng nghiên cứu, phân tích, viện dẫn án lệ cho đội ngũ thẩm phán; xây dựng và hoàn thiện thể chế kiểm soát hiệu quả hoạt động áp dụng án lệ của TAND 2 cấp TP HCM" – đại diện VKSND TP cho biết.
Đồng quan điểm, ông Lê Thanh Phong, Chánh án TAND TP HCM, cũng nhìn nhận nguồn án lệ hiện nay đang khá khiêm tốn. Ông Phong nhấn mạnh đội ngũ thẩm phán 2 cấp toà TP HCM cần mạnh dạn áp dụng án lệ để án lệ đi vào cuộc sống, để người dân khi gặp những vụ việc tương tự sẽ sớm biết cách giải quyết đúng luật từ án lệ.
Chánh án TAND TP nhấn mạnh các thẩm phán và lãnh đạo tòa quận, huyện trong quá trình nghiên cứu trao đổi, học tập và xét xử các vụ án phải chú ý, xem mỗi bản án đều là án lệ. "Trong đời thẩm phán có một án lệ là niềm vinh dự để đời" – ông Phong nói.
Ý Linh (Theo Người lao động)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|