Chuyên mục cuyện kỳ án qua con mắt Thầy cãi
Thành Tâm- Anh Tuấn
Gia đình ông Trịnh Hữu Thuật, ông Trịnh Đình Giám được bà Phương (chị dâu) mua giúp ngôi nhà có diện tích 75m tại số 27 ngõ Mai Hương, Bạch mai, Hà Nội của cụ Điển và cụ Mười vào tháng 3/1969 . Giấy tờ mua bán nhà đất của bà Phương và cụ Điển chỉ viết tay, nội dung nhượng laị nhà đất với thỏa thuận vài tạ gạo, có người làm chứng. Giấy tờ chuyển nhượng này, bà Phương đã nộp cho Công an để chuyển hộ khẩu cho các em và cháu về ngõ Mai Hương.
Ảnh minh họa
Từ đó đến nay, hai gia đình ông Thuật, ông Giám sinh sống ổn định, đã kê khai nộp thuế nhà đất và nhiều lần cải tạo, sửa chữa nhà. Khi hai gia đình làm sổ đỏ thì ông Ngô Chí Dũng ( cháu cụ Điển – con ông Trai) ở liền kề cũng xác nhận danh giới thửa đất mà không có ý kiến gì. Tuy nhiên, giấy tờ chuyển nhượng nhà đất bà Phương làm mất và tại cơ quan quản lý Nhà nước cũng bị thất lạc do chiến tranh. Biết được điều này, sau khi cụ Điển mất ( năm 1997), ông Ngô Văn Trai đại diện gia đình mình khởi kiện đòi quyền sử dụng đất của gia đình ông Thuật, ông Giám. Mặc dù năm 2000, ông Trai rút đơn yêu cầu đòi quyền sử dụng đất TAND quận Hai Bà Trưng đã đình chỉ giải quyết vụ án, nhưng đến năm 2002, ông Trai lại tiếp tục khởi kiện.
Tại bản án số 10/ DS – ST của TAND quận Hai Bà Trưng, HĐXX sơ thẩm cũng có quan điểm như đại diện VKSND thành phố Hà Nội tại phiên tòa phúc thẩm sau này, khi căn cứ vào di chúc của cụ Điển, các nhân chứng và chứng cứ khác đều xác định: cụ Điển đã nhượng bán nhà đất ở số 27 ngõ Mai Hương cho bà Phương, ông Giám và bác đơn khởi kiện đòi quyền sử dụng đất của ông Trai và các đồng nguyên đơn. Nhưng tại bản án số 200/ DSPT của TAND TP. Hà Nội, HĐXX lại quyết định: “ sửa án sơ thẩm về quan hệ pháp luật và về nội dung, xử : Xác định nhà đất tại 27B( số mới 23 và 25) ngõ Mai Hương, Bạch Mai, Hà Nội thuộc quyền sở hữu, sử dụng của cụ Ngô Văn Điển và cụ Trần Thị Mười; Cụ Điển và cụ Mười đã mất nên các thừa kế của hai cụ được hưởng di sản do hai cụ để lại; Chấp nhận một phần yêu cầu đòi nhà đất cho ở nhờ của ông Ngô Văn Trai, Ngô Văn Nậm, Ngô Văn Sáu, Ngô Văn Quý, bà Lê Thị Tân, Ngô Thị Hợi, Ngô Thị Tân (các thừa kế của cụ Điển& cụ Mười )được lấy toàn bộ số nhà đất tại nhà số 23 Ngõ Mai Hương có diện tích 35 m và phải thanh toán giá trị xây dựng nhà, bếp, công trình phụ cho ông Thuật, bà Lài, chị Huyền có giá trị là 12.111.000 đồng...(bà Lài là vợ ông Thuật, Chị Huyền là cháu ông Thuật đã bỏ tiền xây dựng ngôi nhà).
Theo tôi, bản án phúc thẩm trên là không phù hợp với thực tế khách quan và không đúng pháp luật, thể hiện ở những điểm sau: bản án đã không căn cứ vào di chúc cụ Điển đã để lại, bản di chúc có đoạn: “ còn một ngôi nhà số 27 Ngõ Mai Hương hiện cho gia đình ông Vằn ở thuê, đó là tài sản của 4 anh em, không thuộc riêng về ai cả. Nếu có bán được ngôi nhà này thì để lo liệu cho ông bà lúc trăm tuổi”. Như vậy, bản di chúc không hề nói đến ngôi nhà của gia đình ông Thuật, ông Giám tại 27 B Ngõ Mai Hương trên thửa đất 139 m. Bởi mặc nhiên cụ Điển đã công nhận việc chuyển nhượng nhà đất của cụ cho bà Phương.
Theo lời bị đơn: HĐXX phúc thẩm đó phớt lờ các quy định tại Điều 50 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự năm 1989. Bởi bản án không hề xác định ý kiến xác nhận của phòng nhà đất quận Hai Bà Trưng trong đơn xin phép sửa nhà là của ông Giám từ năm 1969 ( về việc cụ Điển đó chuyển nhượng nhà đất cho bà Phương). Hơn nữa, HĐXX phúc thẩm còn bác bỏ lời khai của các nhân chứng. Nếu cụ Điển cho 2 gia đình kia ở nhờ thì tại sao không yêu cầu nộp tiền cho cụ để cụ đong thuế nhà đất mà lại để họ tự kê khai đóng thuế.
HĐXX phúc thẩm cũng tự ý thay đổi quan hệ pháp luật, từ đòi quyền sử dụng đất sang quan hệ đòi nhà đất cho ở nhờ và liệu Tòa có áp dụng đúng thủ tục tố tụng Dân sự theo điều 69 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự, khi cho rằng Tòa sơ thẩm xử sai quan hệ pháp luật, phải hủy bản án sơ thẩm, trả lại cho Tòa sơ thẩm xét xử lại, đằng này Tòa phúc thẩm đã tự xét xử và quyết định thay Tòa sơ thẩm ? Đồng thời tước mất quyền có nhà của gia đình ông Thuật, biến họ từ chủ sở hữu hợp pháp thành người vô gia cư.
Đến nay, cơ quan thi hành án quận Hai Bà Trưng sắp thực thi bản án trên. Hai gia đình ông Thuật, bà Yến ( vợ ông Giám) sắp phải “đứng đường”. Hai ông bà Thuật đã già yếu, không có con cái để nương tựa, đồng lương hưu hạn hẹp, không biết sẽ sống ra sao đây. Gia đình bà Yến cũng chẳng hơn gì, cuộc sống cũng gặp rất nhiều khó khăn. Họ đã nhiều lần gửi đơn khiếu nại tới các cơ quan có thẩm quyền, nhưng vẫn chưa được giải quyết, mà việc hai gia đình bị đẩy ra khỏi nhà của mình chỉ còn là ngày một ngày hai.
Mong rằng, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền như VKSND tối cao, TAND tối cao sớm xem xét theo trình tự Giám đốc thẩm, bản án dân sự phúc thẩm nêu trên, để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của công dân.
Đăng trên báo Thương mại ngày 19/7/2005
< Lùi | Tiếp theo > |
---|