(TDGLaw)- Hành vi hack Facebook, Zalo rồi nhắn tin mượn tiền, vay tiền… để chiếm đoạt tài sản của người khác vẫn chưa có sự thống nhất trong việc định tội danh.Â
Hiện nay, tình trạng hack tài khoản Facebook, Zalo của người khác, sau đó sử dụng các tài khoản này để nhắn tin mượn tiền, vay tiền… bạn bè, người thân xảy ra khá phổ biến. Mặc dù lực lượng công an và các cơ quan chức năng đã có nhiều cảnh báo nhưng với những chiêu trò vô cùng tinh vi, nhiều người vẫn sụp bẫy.
Đáng chú ý là trên thực tế, việc xử lý những hành vi này vẫn còn chưa thống nhất.
Lừa đảo hay sử dụng mạng máy tính… để chiếm đoạt tài sản?
Tại Hội thảo tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông, những hạn chế trong quy định, thực tiễn áp dụng pháp luật và giải pháp khắc phục (ngày 13-3 vừa qua) do khoa luật hình sự, Trường ĐH Luật TP.HCM tổ chức, một đại diện đến từ VKSND TP.HCM cho rằng trên thực tế, việc chiếm quyền sử dụng Facebook, Zalo để thực hiện việc chiếm đoạt tài sản thì xử lý về tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản theo Điều 290 BLHS 2015 hay tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 BLHS 2015 “rất là rối”. Nhiều địa phương còn chưa thống nhất cách xác định tội danh trong trường hợp này...
Các bị cáo trong vụ hack Facebook, lừa đảo hơn 400 triệu đồng bị TAND TP.HCM đưa ra xét xử vào ngày 28-11-2023. Ảnh: HỮU ĐĂNG
Cũng tại hội thảo này, ông Nguyễn Lương Y (Công an quận Tân Bình, TP.HCM) cho biết ở địa bàn quận Tân Bình có sự việc xảy ra ở sân bay Tân Sơn Nhất. Một người bị móc túi, trong túi có thẻ ngân hàng, trên thẻ có ghi mật khẩu nên đã bị rút hơn 10 triệu đồng. Theo ông Y, hành vi sử dụng thẻ ngân hàng để rút tiền thì xử lý theo điểm a khoản 1 Điều 290 BLHS 2015, còn những tài sản khác trong túi thì xử lý về tội trộm cắp tài sản. Theo ông Y, trên thực tế, ban đầu cũng có quan điểm khác nhau là chỉ xử lý tội trộm cắp tài sản, tuy nhiên sử dụng công nghệ thông tin để làm công cụ phạm tội nên phải bị xử lý cả tội được quy định ở Điều 290.
Ông Y cũng bày tỏ quan điểm về việc các đối tượng chiếm quyền quản trị tài khoản Facebook và nhắn tin cho người thân mượn tiền xảy ra nhiều, nhất là đối với các gia đình có con đang du học ở nước ngoài.
Theo ông Y, trên thực tế sẽ tách ra: Thứ nhất, tài khoản Facebook được xác định là để đăng tin liên lạc, nhắn tin, còn việc sau đó gia đình tin tưởng chuyển tiền thì sẽ xử lý tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Còn tại Điều 290, ở điểm d có quy định “lừa đảo trong thương mại điện tử...” là không chính xác vì tài khoản Facebook chỉ là phương tiện, còn việc người nhà nhầm lẫn, tin tưởng nên chuyển tiền phải xử lý tội lừa đảo.
Tội nào mới đúng?
Trao đổi với PV, TS Trần Thanh Thảo (Trường ĐH Luật TP.HCM) cho rằng về bản chất, những đối tượng này thực hiện hai hành vi có mối liên hệ trực tiếp với nhau. Thứ nhất là hành vi hack tài khoản Facebook, Zalo của nạn nhân. Đây là hành vi truy cập bất hợp pháp vào tài khoản mạng xã hội của nạn nhân, làm cho nạn nhân mất quyền quản lý, sử dụng tài khoản mạng xã hội. Thứ hai là sử dụng tài khoản Facebook, Zalo bị hack để nhắn tin mượn tiền, vay tiền… rồi chiếm đoạt. Đây bị coi là hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác bằng cách sử dụng mạng xã hội để dễ dàng, thuận lợi cho việc thực hiện hành vi.
Những đối tượng này trên thực tế đã xâm phạm đến hai khách thể là an toàn thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông và quyền sở hữu tài sản. Như vậy, người phạm tội đã truy cập bất hợp pháp vào tài khoản của người khác và sử dụng chính tài khoản bị truy cập bất hợp pháp này để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đây chính là dấu hiệu định tội của tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản theo Điều 290 BLHS 2015.
Theo TS Thảo, trên thực tế, một số vụ án liên quan đến việc thực hiện hành vi hack tài khoản Facebook, Zalo của người khác, sau đó sử dụng chính các tài khoản này để nhắn tin mượn tiền rồi chiếm đoạt đã được xét xử, HĐXX đã áp dụng Điều 290 BLHS 2015 để định tội và quyết định hình phạt.
Cạnh đó, theo TS Thảo, hiện nay dấu hiệu “truy cập bất hợp pháp vào tài khoản của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm chiếm đoạt tài sản” tại điểm c khoản 1 Điều 290 BLHS 2015 vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau.
Có quan điểm cho rằng tài khoản của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị truy cập bất hợp pháp phải là tài khoản ngân hàng, tài khoản thanh toán. Tuy nhiên, có quan điểm khác cho rằng tài khoản của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị truy cập bất hợp pháp phải hiểu theo nghĩa rộng, tức phải bao gồm các tài khoản mạng xã hội như Facebook, Zalo, WhatsApp…
Vì vậy, theo TS Thảo, cần thiết phải có công văn hướng dẫn cụ thể việc áp dụng dấu hiệu này để đảm bảo cho việc định tội danh được thống nhất.
< Lùi | Tiếp theo > |
---|