(TDGLaw) - Có một thực tế mà các nhà làm luật, các chuyên gia… đều đồng tình, đó là sự cần thiết phải áp dụng “lẽ công bằng” để giải quyết một số vụ án ở nước ta.
Ngày 28-10, Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) tổ chức hội thảo khoa học “Áp dụng lẽ công bằng trong hoạt động xét xử tại Việt Nam và kinh nghiệm của một số quốc gia”.
PGS-TS Đoàn Thị Phương Diệp, Trưởng Phòng thanh tra - pháp chế, thành viên ban tổ chức, cho biết hội thảo lần này đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của giới chuyên gia, các nhà làm luật… Gần 100 đại biểu đã tham dự trực tiếp, 45 tham luận đã được gửi về cho ban tổ chức (bảy tham luận được chọn lọc để đưa ra trình bày và thảo luận tại hội thảo)…
PGS-TS Nguyễn Ngọc Điện và PGS-TS Nguyễn Thị Hồng Nhung đồng chủ trì hội thảo
“Lẽ công bằng” là gì, quy định ở đâu?
Phát biểu tại hội thảo, PGS-TS Lê Vũ Nam, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Luật, nhấn mạnh: Đối mặt với thực tiễn kinh tế - xã hội thay đổi liên tục, các nhà làm luật Việt Nam đã nhận ra pháp luật thành văn không phải lúc nào cũng đáp ứng được nhu cầu điều chỉnh các quan hệ xã hội mà cần phải áp dụng “lẽ công bằng”.
Hiện nay, hiểu thế nào là “lẽ công bằng” thì vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Nhưng có một thực tế mà các nhà làm luật, các chuyên gia đều đồng tình, đó là sự cần thiết phải áp dụng “lẽ công bằng” để giải quyết một số vụ án ở nước ta.
Tại hội thảo, ông Tống Anh Hào, nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao, thẳng thắn: Ở nước ta, “lẽ công bằng” mới chỉ định tính, chưa được định nghĩa cụ thể tại luật nội dung.
Theo ông Hào, “lẽ công bằng” mang ba đặc trưng: (1) Là lẽ phải được mọi người trong xã hội thừa nhận; (2) Phù hợp với nguyên tắc nhân đạo; (3) Không thiên vị, bình đẳng về quyền và nghĩa vụ.
Khoản 2 Điều 6 BLDS 2015 quy định: “Trường hợp không thể áp dụng tương tự pháp luật theo quy định tại khoản 1 điều này thì áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của bộ luật này, án lệ, lẽ công bằng”. Nguyên tắc này cũng được đề cập theo hướng cụ thể hơn tại khoản 3 Điều 45 BLTTDS 2015 để hướng dẫn tòa án xét xử trong trường hợp vụ việc dân sự chưa có điều luật để áp dụng.
Cũng theo ông Hào, “lẽ công bằng” được áp dụng trong hai trường hợp: Một là để giải quyết những vụ việc chưa có luật định; hai là để giải quyết những vụ việc luật có quy định nhưng chưa rõ. Có nhiều án lệ ở nước ta có xuất phát từ “lẽ công bằng”. Mặt khác, nếu vụ việc đã có điều luật quy định, hướng dẫn cụ thể thì không nên lạm dụng “lẽ công bằng” để xét xử.
“Mặc dù BLDS 2015, BLTTDS 2015 có ghi nhận về “lẽ công bằng” nhưng rất, rất ít thẩm phán áp dụng nguyên tắc này để đưa vào xử án.” - Ông Quách Hữu Thái, Chánh án TAND quận 1 (TP.HCM).
Một số trường hợp nên áp dụng “lẽ công bằng”
Tại hội thảo, ông Quách Hữu Thái, Chánh án TAND quận 1 (TP.HCM), chia sẻ: Mặc dù BLDS 2015, BLTTDS 2015 có ghi nhận về “lẽ công bằng” nhưng ông chưa xử vụ nào mà áp dụng “lẽ công bằng” và cũng rất, rất ít thẩm phán áp dụng nguyên tắc này để đưa vào xử án.
Theo ông Thái, một trường hợp xảy ra rất nhiều trong thực tế có thể áp dụng “lẽ công bằng” để giải quyết nhưng chưa được áp dụng đó là: Các bên tham gia giao dịch vay tài sản và bên vay đưa cho bên cho vay giữ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… Thực tế việc tự giữ giấy chứng nhận này không đảm bảo tính pháp lý.
Tuy nhiên, đã vay thì phải trả, áp dụng “lẽ công bằng” thì khi nào anh trả tiền cho tôi thì tôi mới trả lại giấy tờ cho anh.
Ông Thái dẫn một trường hợp thực tế khác: TAND quận 2 (nay là TP Thủ Đức) đã từng xử một vụ mà người khởi kiện bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm trên Facebook và yêu cầu tòa tuyên người xúc phạm cũng phải xin lỗi lại trên Facebook. Tuy nhiên, luật hiện nay chỉ quy định hình thức xin lỗi, cải chính công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng như báo, đài… nên tòa án trong trường hợp này không thể chấp nhận yêu cầu của người khởi kiện.
“Theo tôi, nên áp dụng “lẽ công bằng” trong vụ này để buộc người xúc phạm xin lỗi người bị xúc phạm trên Facebook. Như vậy mới công bằng” - vị chánh án nêu quan điểm.
Một thẩm phán khác chia sẻ tại hội thảo về một quy định “bất cập” trong công văn hướng dẫn của TAND Tối cao đó là: Vụ án sẽ bị đình chỉ nếu đương sự không chịu đóng tiền định giá tài sản và cũng sẽ không được khởi kiện lại.
“Rõ ràng cần áp dụng “lẽ công bằng” trong trường hợp này bởi sẽ có người khó khăn, không có tiền đóng án phí, chi phí thẩm định giá. Họ đi làm kiếm tiền rồi quay lại khởi kiện thì làm sao từ chối thụ lý trong trường hợp này” - vị thẩm phán nêu quan điểm.
Tòa áp dụng “lẽ công bằng” để xử vụ “nuôi con tu hú”
Cũng tại hội thảo, TS Nguyễn Văn Tiến, Phó Trưởng Khoa luật dân sự Trường ĐH Luật TP.HCM, đã dẫn chứng một vụ án có thật mà HĐXX đã áp dụng “lẽ công bằng”.
Nội dung của vụ án này là có một cặp vợ chồng đang trong thời kỳ hôn nhân nhưng người vợ lại có quan hệ bên ngoài với người đàn ông khác và có con với người này. Người chồng phát hiện ra đứa con này không phải của anh ta nên kiện đòi người vợ công sức chăm sóc, nuôi dưỡng.
Vụ này tòa án ở tỉnh Phú Thọ đã áp dụng “lẽ công bằng” để tuyên chấp nhận yêu cầu của người chồng, buộc người vợ phải bồi thường cho người chồng một số tiền.
Minh Chung (Theo Plo)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|