(Luật TD) - Sử sách Trung Quốc như sách Đại Thanh nhất thống chí (1842) nói rõ, cực nam của Trung Quốc là núi Nhai nằm phía nam Nhai Châu (đảo Hải Nam), TS Phan Văn Hoàng, nguyên tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử TP.HCM, cho biết.
hgf
TS Phan Văn Hoàng cũng đề xuất: "Phải cho dân Trung Quốc cùng biết". Ông cho rằng, tài liệu về chủ quyền của Việt Nam với Hoàng Sa - Trường Sa có nhiều và xác đáng nhưng chưa được hệ thống và công bố một cách quy củ.
“Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” - bản đồ toàn lãnh thổ Trung Quốc, được Nhà xuất bản Thượng Hải in năm 1904, trong đó hoàn toàn không có Hoàng Sa, Trường Sa - Ảnh tư liệu |
TS Phan Văn Hoàng nói: “Lẽ ra chuyện này các cơ quan chức năng phải làm từ lâu nhưng hiện vẫn chưa thấy làm hoặc chưa công khai rộng rãi. Tấm bản đồ “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” xuất bản năm 1904 của Trung Quốc chỉ là một trong những tư liệu quý mà chúng ta đang có.
Trong giới nghiên cứu tư nhân cũng có nhiều người đã nghiên cứu và sở hữu nhiều bản đồ, tư liệu quý giá về chủ quyền của Việt Nam với Hoàng Sa - Trường Sa, như nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, nhà nghiên cứu Hán Nôm Phạm Hồng Quân, nhà nghiên cứu Hồ Bạch Thảo... Những tư liệu này có phần đã công bố nhưng cũng có cái chưa có điều kiện đưa ra”.
Cần hệ thống lại tư liệu chủ quyền
* Như vậy “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” năm 1904 không phải là tư liệu cá biệt?
- Đúng như vậy. Các nhà nghiên cứu Việt Nam từng tiếp cận nhiều bản đồ khác của Trung Quốc như “Hoàng triều dư địa toàn đồ” (1728-1729), “Hoàng triều nhất thống dư địa toàn đồ” (1894) và gần hơn nữa là “Đại Thanh đế quốc toàn đồ” (1905)... đều vẽ biên giới phía nam Trung Quốc dừng ở đảo Hải Nam. Điều này cũng phù hợp với sử sách của Trung Quốc, như sách Đại Thanh nhất thống chí (1842) nói rõ cực nam của Trung Quốc là núi Nhai (Nhai Sơn hay Thiên Nhai Sơn) nằm phía nam Nhai Châu (đảo Hải Nam) ở vị trí 18030’ vĩ độ bắc.
* Tư liệu chúng ta có không ít, vậy vì sao người dân và ngay cả giới nghiên cứu không phải ai cũng biết những tài liệu như ông nói?
- Đó chính là điều phải suy nghĩ. Chúng ta không thiếu tư liệu nhưng thiếu sự tập hợp và hệ thống lại những tư liệu ấy. Khi những tư liệu ấy chưa được “liên thông”, chúng ta sẽ không biết tất cả những gì mình đang có trong tay. Để hệ thống những tư liệu này, tôi đề nghị Chính phủ nên sớm thành lập một trung tâm để tiếp nhận, hệ thống tư liệu về biển Đông. Thứ hai là phải công bố rộng rãi những kết quả nghiên cứu được, không chỉ trong giới học thuật mà trong cả nhân dân, với thế giới, đặc biệt là nhân dân Trung Quốc cùng biết. Nhiều năm người dân Trung Quốc được tiếp cận những chứng cứ ngụy tạo do chính quyền Trung Quốc đưa ra, đa số không nắm rõ được vấn đề chủ quyền, lịch sử đúng đắn của Hoàng Sa - Trường Sa nên nghĩ Việt Nam “xâm chiếm” hai quần đảo này.
Gần đây, một số tầng lớp tiến bộ ở Trung Quốc (nhất là trong giới trí thức) cũng có không ít nghiên cứu và lên tiếng về chủ quyền ngụy tạo của Trung Quốc với Hoàng Sa - Trường Sa vì không chấp nhận được sự thật bị che giấu. Nhưng số đó còn rất ít và tiếng nói của họ cũng còn rất yếu, không ăn thua gì với tiếng nói ngụy biện về chủ quyền từ các kênh chính thống ở Trung Quốc. Sự ngụy biện về chủ quyền này đã đi vào sách giáo khoa và nhiều tài liệu khác.
Tiến sĩ Phan Văn Hoàng - Ảnh: VIỄN SỰ |
Làm tốt sẽ bớt đi mặt trận khác
* Vậy cơ quan nào sẽ là nhạc trưởng và theo ông nên tiến hành ra sao?
- Không ai khác hơn là Bộ Ngoại giao vì đây là cơ quan có cơ hội và chức năng tiếp cận đầy đủ những tài liệu và đối tượng quảng bá trong và ngoài nước. Tùy theo từng đối tượng là nhân dân Việt Nam, thế giới hay Trung Quốc mà soạn ra những tài liệu phù hợp, giới thiệu những tư liệu gốc, dịch ra tiếng nước ngoài (Anh, Pháp, Trung, Nga, Tây Ban Nha...) và quảng bá, làm cho mọi người hiểu ta và ủng hộ ta.
Việc này chúng ta phải làm ngay. Bởi Trung Quốc đã gửi không ít đoàn đến các nước để thuyết trình (tất nhiên là thuyết trình với những chứng cứ ngụy tạo) về chủ quyền với biển Đông, với Hoàng Sa - Trường Sa. Và làm không ít nước hiểu chưa đúng về chủ quyền của Hoàng Sa - Trường Sa. Trong khi đó chúng ta còn hết sức thụ động.
* Theo ông, để quảng bá những tư liệu đó có khó khăn không?
- Không khó! Chúng ta có dồi dào nguồn nhân lực là các học giả, các nhà nghiên cứu về biển Đông và quan trọng là tinh thần bảo vệ chủ quyền biển đảo rất quyết liệt. Cái chúng ta thiếu chính là một nhạc trưởng, thiếu người chủ chốt để hệ thống và quảng bá tư liệu đó, điều hòa, phối hợp lại với nhau. Hồi ta kháng chiến chống Mỹ cũng vậy, nhờ có nhạc trưởng tốt mà chúng ta làm dấy lên phong trào phản chiến ở nhiều nước khác. Bây giờ với vấn đề chủ quyền, chúng ta có thêm nhiều điều kiện để thế giới hiểu, nên phải quyết liệt chứ không được rụt rè.
Mặt trận học thuật chỉ là một trong những mặt trận để giành lại Hoàng Sa - Trường Sa... Nhưng nếu mặt trận học thuật thành công có thể sẽ bớt đi công sức hoặc không phải sử dụng những mặt trận khác. Chứ khi đã phải sử dụng nhiều hơn những mặt trận khác để đấu tranh giành lại chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa thì có thể lúc đó việc sử dụng mặt trận học thuật sẽ không có nhiều tác dụng như bây giờ.
NGUYỄN VIỄN SỰ (Tuổi trẻ)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|