(ĐS&PL) - Thời gian gần đây, tại Hà Nội rộ lên xu hướng góp tiền, mua đất, xây chung cư mini để ở chung. Đây cũng là xu hướng được nhiều gia đình trẻ áp dụng để thực hiện ước mơ có nhà ở Hà Nội. Tuy nhiên quanh câu chuyện này đã nảy sinh không ít phiền toái...
fds
Người dưng" góp tiền xây nhà
Chúng tôi có dịp gặp nhóm bạn Nguyễn Ngọc Hường (công ty TNHH Hoàng Minh, Hà Nội) tìm hiểu ý tưởng góp vốn xây dựng chung cư mini ở chung của nhiều cặp vợ chồng trẻ hiện nay. Hường chia sẻ: Ý tưởng này được mọi người của nhóm đưa ra trong một buổi dã ngoại. Khi ấy một thành viên nêu ý tưởng: "Hay nhóm mình góp tiền xây chung cư mini ở chung? Lúc đầu, tôi cho rằng ý tưởng ấy là điên rồ và khó trở thành hiện thực khi sở thích mỗi người khác nhau. Thế nhưng, sau cả buổi bàn thảo, một phương án táo bạo được mọi người đồng ý là cùng mua đất, xây nhà dạng chung cư mini rồi chia cho 1 - 2 gia đình ở 1 tầng, được mọi người ủng hộ".
Ảnh minh họa
Theo bật mí của Hường, nhóm anh đã chọn được "mảnh đất vàng" ở khu vực Yên Sở, Hoàng Mai, Hà Nội. Nói là "mảnh đất vàng" nhưng thực chất đó là thửa đất mà bao quanh có khu cây xanh, cạnh hồ, mùa hè rất mát mẻ. Hường bảo rằng, "chúng tôi mới xong thủ tục mua đất, còn việc hoàn tất các thủ tục xin giấy phép xây dựng, thuê thiết kế... thì cũng phải mất nhiều thời gian. Dự toán chi phí cho chung cư mini này ước chừng 3 tỷ đồng, mỗi thành viên trong nhóm phải chi ra chừng 600 triệu đồng, sau đó được sở hữu một căn hộ với diện tích 50m2".
Hường khoe: "Vốn "ra lò" từ ngành xây dựng, tôi được bạn bè giao làm trưởng "ban dự án". Nguyên tắc để nhóm chúng tôi xây "ngôi nhà ước mơ" là trên tinh thần gửi gắm niềm tin tuyệt đối bởi vì là bạn cùng học phổ thông, đại học với nhau. Để các thành viên không phải "lăn tăn" nhà sẽ "bốc hơi", cả nhóm đã thuê luật sư soạn thảo văn bản để các bên ký kết và công chứng cụ thể giấy tờ quyền sử dụng đất. Việc phân chia căn hộ cũng được thực hiện theo phương thức bốc thăm".
Chị Nguyễn Hồng Hoa (Chùa Láng, Hà Nội) kể: Cách đây hơn 1 năm, vợ chồng chị tụ họp nhóm học đại học. Có 4 gia đình chưa có nhà ở nên câu chuyện nóng nhất vẫn là mua nhà ở đâu, làm gì để có thể sở hữu một ngôi nhà vừa với túi tiền? Cuối cùng sau rất nhiều lần bàn bạc, nhóm của chị Hoa quyết định góp tiền, mua đất, xây chung cư mi ni. Chị Hoa nói: "Giờ giấc mơ của vợ chồng tôi đã thành hiện thực. Chúng tôi đã chuyển về căn nhà riêng của gia đình ở Thanh Xuân. Căn nhà của 2 vợ chồng tôi ở trên tầng 2, hơn 40m2 trong ngôi nhà 5 tầng cùng nhóm bạn".
Qua tìm hiểu, PV được biết, khu chung cư mini ở Bùi Xương Trạch, quận Thanh Xuân (Hà Nội) rộng hơn 60 m2 cao 7 tầng có một tầng trệt chung, một tum cũng dùng chung là ý tưởng của một nhóm gia đình trẻ. 5 tầng còn lại chia mỗi tầng một căn hộ cho 5 gia đình. Sổ đỏ nhà đất cũng làm dưới danh nghĩa tên 4 cặp vợ chồng và gửi ở ngân hàng.
Được nhà lại lo mất sở hữu?
Mặc dù xu hướng góp tiền xây chung cư mini ở chung đang rộ lên, song nhiều gia đình trẻ vẫn e ngại độ rủi ro cao trong sở hữu căn hộ. Nguyễn Thùy Linh (Thanh Xuân, Hà Nội) tâm sự: "Gia đình nhà chồng tôi có 3 anh em trai, đều đã lập gia đình. Tất cả đều ở chung với bố mẹ chồng. Nhà chật chội, chỉ là chỗ chui ra chui vào sau mỗi ngày đi làm về. Vợ chồng tôi bàn tính rất nhiều về chuyện nhà ở và cũng có ý tưởng góp tiền, mua đất. Thế nhưng, những thành viên đăng tin muốn góp tiền xây nhà trên mạng mỗi người mỗi nơi khác nhau nên chúng tôi cũng ái ngại về vấn đề sở hữu sau này. Chỉ sợ bỏ tiền đầu tư nhưng lại rước về những rủi ro".
Trao đổi với PV, luật sư Triệu Trung Dũng, văn phòng luật sư Triệu Dũng và cộng sự (Hà Nội) cho rằng: "Cách làm đó giải quyết được nhu cầu cấp bách về nhà ở trong giai đoạn hiện nay, chi phí thấp, tiện lợi. Nếu không nắm vững pháp luật sẽ dẫn đến rủi ro, xảy ra tranh chấp với đối tượng góp vốn. Các rủi ro có thể kể đến như: Người đứng ra đại diện để xây dựng hoặc chủ góp vốn sẽ lấy tiền bỏ trốn, dẫn đến thiệt hại "tiền mất, tật mang". Nếu không phân định rõ quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà theo quy định của luật hiện hành, sẽ dẫn đến việc tranh chấp không đáng có và khó khăn trong việc chuyển nhượng cho người khác. Hơn nữa, việc xây dựng chung cư mini không rõ quy mô, diện tích không nắm rõ được quy định về cấp phép, đầu tư, dẫn đến quá trình xây dựng không đúng quy hoạch, mất nhiều chi phí cho việc xin cấp giấy phép xây dựng, khó khăn cho các thành viên góp vốn. Thiết kế, xây dựng không bảo đảm, nguy hiểm tính mạng cho người sử dụng".
Tránh tình trạng “cha chung không ai khóc” Đem thắc mắc trên hỏi TSKH. Đặng Hùng Võ, chúng tôi nhận được câu trả lời: "Góp tiền mua đất, xây chung cư mini là một cách làm hay, giải quyết được nhu cầu nhà ở cho người dân mà tốn ít chi phí. Tuy nhiên, cần rạch ròi vấn đề pháp lý từ đầu, về sở hữu chung riêng và chuyện quản lý sử dụng để tránh gặp phiền toái. Khi đi vào sử dụng, các hộ cùng sống với nhau phải có cơ chế, chính sách như nhà chung cư, tránh tình trạng "cha chung không ai khóc". |
Ngân Giang - Hoàng Mai
< Lùi | Tiếp theo > |
---|