(Dân Việt) - Lao vào hôn trộm nơi công cộng có thể bị phạt hành chính vì vi phạm quy định về trật tự công cộng.
Gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng đăng tải clip kéo dài 5 phút, ghi lại cảnh nhóm bạn trẻ cả nam lẫn nữ ra đường, khi gặp người lạ không ngần ngại chạy đến ôm, hôn. Đây là trào lưu được du nhập từ nước ngoài về có tên gọi “Kiss Cam” - hôn trộm người lạ, không cần xin phép rồi chờ xem phản ứng của người đó ra sao.
Trào lưu Kiss Cam đang gây xôn xao mạng xã hội mấy ngày qua
Chính sự “cưỡng hôn” không xin phép này đã gây ra tranh cãi mạnh mẽ trong dư luận. Thậm chí nhiều ý kiến còn cho rằng, trào lưu này là một dạng quấy dối tình dục nơi công cộng. Trước vấn đề trên, phóng viên có cuộc trao đổi với luật sư Triệu Trung Dũng – Trưởng văn phòng luật sư Triệu Dũng và cộng sự (Hà Nội) để làm rõ hơn hành vi “cưỡng hôn” có vi phạm pháp luật hay không.
Thưa luật sư, cách lao vào hôn không xin phép như vậy có vi phạm pháp luật Việt Nam về quấy rối tình dục không?
Theo quy đinh của pháp luật nước ta thì hành vi như vậy chưa vi phạm pháp luật về quấy rối tình dục bởi, quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục mới được vận động, áp dụng nơi công sở, nơi làm việc. Ngay cả bộ luật Lao động thì cũng chưa cụ thể.
Còn những quy định khác thì sao? Ví dụ như “cưỡng hôn” như vậy có vi phạm quy định quấy rối nơi công cộng hay mất trất tự công cộng không?
Hôn trộm nơi công cộng như vậy thì có thể bị coi là vi phạm quy định về trật tự an toàn xã hội và hành vi này có thể coi là hành vi trêu ghẹo theo quy định tại Nghị định 167 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.
Cụ thể, điều 5: Vi phạm quy định về trật tự công cộng quy định phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau: Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác.
Thực tế từ trào lưu “cưỡng hôn” cho thấy, nhiều chàng trai tỏ ra bực tức và lao vào đuổi theo “người đàn ông lạ” hôn trộm bạn gái mình ngay trước mắt, điều này cho thấy trào lưu này tiền ẩn nguy cơ về bạo lực, đánh nhau... ông thấy sao?
Theo tôi thì việc hôn trộm bạn gái khi đang có bạn trai của họ ở bên thì dễ dẫn đến nguy cơ bạo lực, đánh nhau trở thành việc gây rối trật tự nơi công cộng là hoàn toàn chính xác.
Bởi hành vi này có thể bị coi là hành vi khiêu khích bạn trai của cô gái kia vì “người đàn ông lạ” này dám trêu ghẹo bạn gái anh ta và động chạm đến lòng tự trọng của người bạn trai này. Hành vi “khiêu khích” cũng vi phạm quy định tại nghị định vừa nêu trên về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng, chống bạo lực gia đình...
Luật sư Triệu Trung Dũng
Mặc dù vậy, hành vi này nếu ở nước ngoài có thể được nhưng theo văn hóa Á Đông của chúng ta thì chưa được phép. Ví dụ, nếu 1 cô gái bị chàng trai hôn trộm đến báo công an về việc này thì sao, quy định pháp luật xử lý thế nào, thưa ông?
Trong trường hợp một cô gái bị chàng trai hôn trộm đến báo công an thì nếu đúng theo quy định pháp luật, cơ quan công an phải xem xét, xác minh và nếu có đầy đủ chứng cứ thì sẽ xử lý theo quy định. Như tôi đã nói, chàng trai có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng tại Nghị định 167 nêu trên.
Hiện nay, nhiều tổ chức cảnh báo việc quấy rối tình dục nơi công cộng tại Việt Nam và các cơ quan chức năng đang nỗ lực ngăn chặn quấy rối tình dục. Pháp luật có nên đưa ra quy định để bảo vệ các cô gái trong những trường hợp lợi dụng trò chơi để quấy rối tình dục không?
Như trước đây tôi đã đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền nên có quy định, chế tài xử lý nghiêm hành vi quấy rối tình dục nơi công cộng và nơi làm việc để bảo vệ các cô gái, nhất là trong trường hợp cô gái phải đi lại một mình hoặc gặp gỡ riêng...
Theo ông luật pháp nước ta có nên quy định rõ ràng, cụ thể và xử lý hành vi "quấy rối tình dục" không?
Tuy trong Bộ luật Hình sự của nước ta hiện có “Tội làm nhục người khác” được quy định tại điều 121. Những hành vi để cấu thành tội này là hành vi như: lăng mạ, chửi rủa thậm tệ, lột quần áo giữa đám đông người, thỏa mãn thú vui xác thịt… để làm nhục người khác.
Người phạm tội có thể có những hành vi vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực như bắt trói, tra khảo, vật lộn, đấm đá hoặc dùng phương tiện nguy hiểm khống chế, đe dọa buộc người bị hại phải làm theo ý muốn của mình nhưng tất cả các hành vi, thủ đoạn đó chỉ nhằm mục đích làm nhục chứ không nhằm mục đích khác.
Tuy nhiên, điều luật này chỉ quy định chung chung chứ không quy định rõ về những hành vi quấy rối tình dục. Như vậy, theo tôi nước ta cần quy định rõ những hành vi quấy rối tình dục là gì và có điều luật xử lý cụ thể.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Công Thọ
< Lùi | Tiếp theo > |
---|