(TDGlaw) -Tòa án và Luật sư đều khẳng định đây là vụ án có dấu hiệu về mặt hình sự vì bà Phạm Thị Dung có ý thức chiếm đoạt. Qua nhiều đơn tố cáo thì bà Phạm Thị Dung không chỉ chiếm dụng tiền và tài sản của một người mà lên tới hàng chục người. Cơ quan CSĐT không ra quyết định khởi tố hình sự, như vậy đã làm hết trách nhiệm của mình chưa?
Tòa soạn Việt Nam Hội nhập tiếp tục thông tin đến bạn đọc về vụ việc của gia đình bà Vũ Thị Toan có đơn tố cáo bà Phạm Thị Dung và chồng là ông Trịnh Văn Dũng, bà Phạm Thị Bảy (em gái bà Dung) và chồng là ông Phan Văn Khải, cùng một số cán bộ ngân hàng đang làm việc tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – Chi nhánh Nam Gia Lai – Phòng giao dịch Chư Sê, có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân và của nhà nước.
Theo đó, gia đình bà Vũ Thị Toan đã gửi đơn kêu cứu đến Tòa soạn Việt Nam Hội nhập, tố cáo bà Phạm Thị Dung và bà Phạm Thị Bảy (em gái bà Dung) có dấu hiệu lừa dối chiếm đoạt tài sản. Bà Dung thoả thuận với bà Toan, ông Tắc là: “Bà Toan, ông Tắc đồng ý thế chấp tài sản để bảo lãnh cho bà Phạm Thị Dung vay số tiền 300 triệu đồng tại ngân hàng BIDV- Chi nhánh Nam Gia lai - Phòng giao dịch Chư Sê”. Nhưng bà Dung đã lừa dối bà Toan, ông Tắc ký vào hợp đồng khác với nội dung “bảo lãnh cho bà Phạm Thị Bảy vay 1,8 tỷ”.
Hợp đồng này không đúng với ý chí của bà Toan, ông Tắc. Bà Toan, ông Tắc đã khởi kiện và cung cấp chứng cứ đến các cơ quan chức năng để chứng minh bà bị lừa dối. Trong khi chủ sở hữu tài sản không hề biết, vậy nhưng Ngân hàng BIDV - Chi nhánh Nam Gia Lai – Phòng giao dịch Chư Sê vẫn giải ngân. Ngoài ra, bà Toan còn tố cáo Ngân hàng BIDV cung cấp cho tòa án tài liệu giả (biên bản họp gia đình) để hợp thức hóa nội dung lừa dối trong hợp đồng bảo lãnh. Đến nay ngân hàng đang khởi kiện, chủ sở hữu có nguy cơ mất nhà, ngân hàng có nguy cơ mất tiền. Còn người lừa dối và người được ủy quyền cho vay thì vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Bên cạnh đó, còn có hàng chục đơn thư của những người khác cùng nội dung tố cáo bà Phạm Thị Dung có dấu hiệu lừa dối, chiếm đoạt sản gửi đến Tòa soạn Việt Nam Hội nhập, như: bà Nguyễn Thị Kiều Sương, chị Đỗ Thị Ngọc Hằng, bà Đỗ Thị Thanh Mai, bà Đặng Thị Lê, bà Vũ Thị Chín,…
Thông báo của Công an huyện Chư Sê ra quyết định không khởi tố hình sự đối với vụ việc của bà Đỗ Thị Ngọc Hằng và bà Nguyễn Thị Kiều Sương.
Nhiều người dân bị bà Dung lừa dối đã nhiều lần gửi đơn tố cáo đến chính quyền và các cơ quan chức năng, nhưng nhiều năm đằng đẵng trôi qua, vụ việc đến nay vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng.
Để giải quyết vụ việc của gia đình bà Vũ Thị Toan, Tòa án Nhân dân thành phố Pleiku đã nhiều lần cho gọi bà Phạm Thị Dung lên để đối chất, tuy nhiên bà Dung không lên. Đồng thời, từ những bằng chứng như: Biên bản thỏa thuận, Biên bản họp gia đình, file ghi âm kèm, Tòa án Nhân dân thành phố Pleiku đưa ra kết luận “Đây là vụ án có dấu hiệu về mặt hình sự vì bà Phạm Thị Dung có ý thức chiếm đoạt”. Tòa án Nhân dân thành phố Pleiku đã gửi văn bản yêu cầu phía Cơ quan điều tra làm rõ vụ việc này. Tuy nhiên, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Gia Lai và cơ quan điều tra Công an huyện Chư Sê vẫn quyết định không khởi tố vụ án hình sự đối với vụ việc của gia đình bà Vũ Thị Toan, vì cho rằng do mua bán nông sản làm ăn thua lỗ, nên bà Dung không có tiền trả cho Ngân hàng để lấy lại tài sản trả cho gia đình bà Toan, chứ không phải bà Dung có ý định lừa dối, chiếm đoạt tài sản.
Luật sư Triệu Trung Dũng - Giám đốc Công ty luật TDG, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội
Để sự việc được khách quan, cơ quan báo chí đã trao đổi với Luật sư về vụ việc của gia đình bà Toan, qua đó Luật sư Triệu Trung Dũng - Giám đốc Công ty luật TDG, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội có nhận định: “Hành vi của Phạm Thị Dung, Trịnh Văn Dũng, Phạm Thị Bảy và Phan Văn Khải đã lợi dụng lòng tin, mối quan hệ mật thiết với bà Toan, ông Tắc để chiếm đoạt tài sản. Vụ chiếm đoạt này Dung, Khải, Bảy có đủ yếu tố cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2007:
Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm….
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
Trong vụ chiếm đoạt này, vợ chồng bà Dung, Dũng và vợ chồng bà Bảy, Khải đã lạm dụng sự tin tưởng của ông Tắc, có hành vi gian dối, lừa ông Tắc, bà Toan: lén lút thay đổi người đứng tên vay, không phải là vợ chồng bà Dung, Dũng mà là vợ chồng bà Bảy, Khải, nâng số tiền chiếm đoạt từ 300 triệu đồng lên 1,8 tỷ, điều này trái với ý chí của vợ chồng bà Toan, Tắc.
Xét các yếu tố cấu thành tội phạm trong vụ chiếm đoạt này:
Mặt chủ thể của tội phạm: Đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, chủ thể của tội phạm cũng tương tự như đối với các tội xâm phạm sở hữu khác. Trong vụ chiếm đoạt này, chủ thể là cá nhân, cụ thể là vợ chồng bà Dung, Dũng và vợ chồng bà Bảy, Khải.
Xét về năng lực trách nhiệm hình sự của cá nhân: là khả năng nhận thức của cá nhân đó về tính nguy hiểm cho xã hội đối với hành vi của mình và là năng lực điều khiển hành vi đó. Vợ chồng bà Dung, Dũng và vợ chồng bà Bảy, Khải không trong tình trạng bị tâm thần, hoặc không làm chủ được hành vi của mình; vợ chồng bà Dung, Dũng và vợ chồng bà Bảy, Khải có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự.
Xét về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự: Cả 4 người trên đã ở độ tuổi trung niên nên đáp ứng được yêu cầu về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự đối với tội đặc biệt nghiêm trọng.fdsa
Mặt khách thể của tội phạm: Khách thể của tội phạm là quan hệ xã hội được Bộ luật Hình sự bảo vệ, bị tội phạm xâm hại, gây thiệt hại. Khách thể trong vụ chiếm đoạt này theo quy định tại Khoản 1, Điều 8, BLHS năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017 là: “…quyền, lợi ích hợp pháp của công dân theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự”. Khách thể của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản cũng tương tự như các tội có tính chất chiếm đoạt khác nhưng không xâm phạm đến quan hệ nhân thân mà chỉ xâm phạm đến quan hệ sở hữu.
Trong vụ chiếm đoạt trên, việc vợ chồng bà Dung, Dũng lừa ông bà Toan - Tắc ký hợp đồng thế chấp không đúng theo ý chí: đổi tên người vay từ vợ chồng bà Dung, Dũng sang vợ chồng bà Bảy, Khải. Bà Bảy gian dối khi nói với bà Toan tại phòng công chứng là: “Em cũng ra ký hợp đồng bảo lãnh cho vợ chồng bà Dung, Dũng vay”. Mặt khác, 4 người này gian dối tăng số tiền bảo lãnh từ 300 triệu đồng lên 1,8 tỷ đồng và không trả ngân hàng nên đã xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của bà Toan, ông Tắc, dẫn đến nguy cơ toàn bộ mất nhà đất.
Đơn kêu cứu của bà Vũ Thị Toan tố giác bà Phạm Thị Dung
Mặt khách quan của tội phạm:
Hành vi khách quan: Do đặc điểm riêng của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nên người phạm tội có một hành vi khách quan duy nhất là “chiếm đoạt”, nhưng chiếm đoạt bằng thủ đoạn gian dối. Thủ đoạn gian dối được biểu hiện ra bên ngoài bằng những hành vi cụ thể và bao giờ cũng phải có trước khi có việc giao tài sản giữa người bị hại với người phạm tội. Trong vụ chiếm đoạt này, hành vi của vợ chồng bà Dung, Dũng là thực hiện hành vi gian dối, lừa ông Tắc, bà Toan ký vào hợp đồng bảo lãnh đứng tên vợ chồng bà Bảy, Khải chứ không phải vợ chồng bà Dung, Dũng nên không đúng với ý chí của ông Toan, bà Tắc; 4 người trên thông đồng với nhau tự ý nâng số tiền bảo lãnh từ 300 triệu lên 1,8 tỷ đồng.
+ Trong vụ chiếm đoạt trên, hành vi của vợ chồng bà Dung, Dũng có vai trò chủ mưu, là hành vi nguy hiểm và nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của ông bà Toan, Tắc thông qua việc bảo lãnh cho ngân hàng. Đến nay, vợ chồng bà Dung, Dũng, vợ chồng Bảy, Khải là đồng phạm chiếm đoạt số tiền 1,8 tỷ đồng thông qua ngân hàng BIDV.
Hậu quả và mối quan hệ nhân quả do hành vi chiếm đoạt tài sản gây ra: Vợ chồng bà Dung, Dũng, Bảy và Khải đã hoàn thành việc chiếm đoạt 1,8 tỷ đồng, từ hợp đồng bảo lãnh của gia đình ông Tắc, bà Toan. Khi ông bà Toan, Tắc yêu cầu vợ chồng bà Dung, Dũng trả lại “sổ đỏ” thế chấp ở ngân hàng thì mới “tá hỏa” vì bị vợ chồng bà Dung, Dũng lừa nên 2 người đã đi tìm vợ chồng Dung, Dũng để giải quyết, nhưng vợ chồng nhà Dung né tránh. Sau khi ông Tiến (là anh trai bà Toan, cũng có mối quan hệ với vợ chồng Dung, Dũng) bay từ Hà Nội vào làm việc thì vợ chồng bà Dung, Dũng hứa hẹn sẽ thanh toán vào cuối năm 2018. Vợ chồng Bảy, Khải thì hứa hẹn, nếu nợ trong ngân hàng giảm xuống thì rút tài sản của ông bà Toan, Tắc trả trước. Tuy vậy, khi họ có tiền, họ đã trả ngân hàng và công nợ của họ trong ngân hàng đã giảm xuống, họ đã không rút tài sản bảo lãnh của ông bà Toan-Tắc để trả lại, mà vợ chồng bà Bảy, Khải đã rút 3 tài sản có giá trị lớn ra chuyển sang ngân hàng khác, sau đó lại rút ra để cho tặng con trai tên là Phan Văn Sơn. Đây là hành vi gian dối khi tẩu tán tài sản của bà Bảy, ông Khải.
Hành vi này dẫn đến việc ngân hàng BIDV đã khởi kiện yêu cầu phát mãi tài sản nhà đất của gia đình ông Tắc, bà Toan. Do vợ chồng Dung, Dũng và bà Bảy, Khải có tài sản nhưng tẩu tán không trả nợ cho ngân hàng nên gia đình ông Tắc, bà Toan đã rơi vào nguy cơ mất toàn bộ 729,8 m2 nhà đất.
fdsa
Mặt chủ quan của tội phạm: Cũng như đối với tội có tính chất chiếm đoạt, tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản cũng được thực hiện do lỗi. Lỗi là dấu hiệu bắt buộc phải có ở mọi tội phạm vì tội phạm nào cũng được thực hiện do cố ý hoặc vô ý. Lỗi là thái độ tâm lý của người pham tội đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội của mình và hậu quả do hành vi đó gây ra được biểu hiện dưới hình thức cố ý hoặc vô ý. Trong vụ chiếm đoạt này, lỗi cố ý trực tiếp có ba đặc điểm: một là người phạm tội thấy trước hành vi của mình gây nguy hiểm cho xã hội, hai là người phạm tội thấy trước hậu quả tác hại của hành vi đó, ba là người phạm tội mong muốn gây ra hậu quả tác hại.
Vợ chồng bà Dung, Dũng, vợ chồng Bảy, Khải đã bàn bạc từ trước khi lén lút thay đổi người vay, thay đổi số tiền vay, ông Dũng hứa hẹn bán nhà kho, xe giường nằm Thu Trang trả nợ. Bà Dung hứa đến cuối 2018 sẽ trả. Vợ chồng bà Bảy, Khải hứa giảm tiền công nợ sẽ rút “sổ đỏ” ra trả vợ chồng ông bà Toan, Tắc nhưng họ đều không thực hiện. Họ có khả năng thanh toán nhưng cố ý chiếm đoạt nên đã đã có hành vi gian dối là tẩu tán tài sản bằng cách sang tên cho con cái.
Mục đích của người phạm tội là mong muốn chiếm được tài sản. Mục đích chiếm đoạt tài sản là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, ngoài mục đích chiếm đoạt, người phạm tội còn có thể có những mục đích khác cùng với mục đích chiếm đoạt hoặc chấp nhận mục đích chiếm đoạt của người đồng phạm khác. Nên vợ chồng bà Dung, Dũng, vợ chồng Bảy, Khải phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trong vụ chiếm đoạt trên, họ đã có kế hoạch rõ ràng. Họ thừa biết phải ký hợp đồng bảo lãnh công chứng, nhưng bà Dung đưa cho ông bà Toan - Tắc ký trước hợp đồng bảo lãnh 300 triệu đồng. Sáng hôm sau, vợ chồng bà Dung, Dũng đã chở ông bà Toan -Tắc ra phòng công chứng ký hợp đồng khác và giá trị bảo lãnh là 1,8 tỷ, đồng thời người đứng tên được bảo lãnh là Phạm Thị Bảy (em gái bà Dung) và Phan Văn Khải (chồng của Bảy), điều này chứng tỏ họ có động cơ, mục đích rõ ràng: vợ chồng bà Dung, Dũng, vợ chồng Bảy, Khải sẽ được bảo lãnh vay có giá trị 1,8 tỷ đồng, khi họ không trả nợ ngân hàng thì ông Tắc, bà Toan sẽ bị ngân hàng siết nợ mất nhà, mất đất. Với mức lãi hiện nay đã hơn 2,5 tỷ đồng, bán đấu giá, chắc gì đã bán được 3 tỷ đồng.
Động cơ phạm tội là động lực bên trong thúc đẩy người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội. Vợ chồng bà Dung, Dũng, vợ chồng Bảy, Khải trong vụ chiếm đoạt này vì lòng tham, muốn chiếm đoạt 1,8 tỷ nên đã thực hiện hành vi gian dối. Nếu như không có động cơ chiếm đoạt thì vợ chồng bà Dung, Dũng đã không bàn bạc, không có kế hoạch bài bản cũng như không có sự được giúp sức của vợ chồng bà Bảy, Khải.
Hai vợ chồng Dung, Dũng đã có động cơ, mục đích cụ thể là chủ mưu vạch ra kế hoạch để nhận được số tiền 1,8 tỷ đồng. Bằng việc được bảo lãnh, họ đã nhận được số tiền đó với việc thông qua sự giúp sức của vợ chồng Bảy, Khải với việc vạch ra mục đích rõ ràng nhằm chiếm đoạt số tiền mà không phải chịu nghĩa vụ thanh toán khoản vay, nhờ vào hợp đồng bảo lãnh đó.
Hai vợ chồng Bảy, Khải không thể nào không nhận thức được việc đứng tên để vay tiền hộ có ý nghĩa gì, họ nhận ký nhận 1,8 tỷ đồng từ ngân hàng thì họ không thể không biết, không nhớ. Họ được dàn xếp để lừa gạt ông bà Toan - Tắc ký trước ra sao, ký sau ra sao; tất cả được thực hiện có kế hoạch cụ thể, kể cả việc sẽ tẩu tán tài sản để không phải trả tiền ngân hàng, không phải rút sổ chủ quyền nhà đất trả vợ chồng bà Toan - Tắc.”
Luật sư cho biết về những điểm mấu chốt cần điều tra:
“Tại sao vợ chồng bà Dung, Dũng không biết việc phải lập Hợp đồng bảo lãnh tại phòng công chứng, khi họ đã mượn sổ và nhờ thế chấp vay quá nhiều ở ngân hàng? Tại sao ngay sáng hôm sau phòng công chứng đã có hợp đồng với giá trị 1,8 tỷ và tên 2 người được hưởng bảo lãnh là bà Bảy, ông Khải mà không phải vợ chồng Dung, Dũng? Trong khi chiều hôm trước còn là Hợp đồng vợ chồng bà Dung, Dũng vay với số tiền 300 triệu đồng. Hợp đồng bảo lãnh ngân hàng chuyển cho phòng công chứng 1,8 tỷ không lẽ ngân hàng tự ghi mà không thông báo với vợ chồng bà Dung, Dũng và phòng công chứng không biết ?
Giám định, kết luận chính xác về Biên bản họp gia đình là biên bản giả. Chữ ký có khoảng cách quá xa. Có thể nào lại là giấy trắng mà vợ chồng ông bà Toan, Tắc đã bị yêu cầu ký khống sẵn? Ở đâu? Khi nào? Nếu họ ký tại sao phải cần vợ chồng bà Bảy, Khải, bà Liễu ghi giùm họ tên ? Phải chăng, Biên bản được tạo ra có mục đích, nhằm đảm bảo các thủ tục vay, công chứng hợp pháp ?
Bà Bảy, ông Khải có hiểu rõ về việc đứng tên trong hợp đồng này có ý nghĩa như thế nào? Bà Bảy không có tài sản cho vợ chồng bà Dung, Dũng vay nhưng tại sao nói dối bà Toan tại phòng công chứng? Bà Bảy, ông Khải biết về hành vi của vợ chồng bà Dung, Dũng khi nào trong việc thay đổi tên người được bảo lãnh vay hay bà Bảy, ông Khải được phân công từ trước để đứng tên ký hợp đồng bảo lãnh vay?
Cán bộ ngân hàng có những sai phạm gì trong việc này: Ngân hàng đã soạn thảo Hợp đồng thế chấp (công chứng) theo ý của bà Dung mà không hỏi ý kiến của bên vay và bên bảo lãnh. Tại sao không làm thủ tục định giá tại nơi có tài sản theo quy định. Cán bộ ngân hàng đã làm sai quy trình vay vốn, tiếp tay thông đồng để cho Dung nhận được khoản vay 1,8 tỷ mà không hề thẩm định ra sao?
Công chứng viên tại huyện Chư Sê có vi phạm gì theo luật Công chứng ? Công chứng viên huyện Chư sê tại sao không kiểm tra kỹ hồ sơ ? Tại sao không giải thích cho ông Tắc, bà Toan về quyền và nghĩa vụ của họ và nội dung bản hợp đồng công chứng ? Tại sao không soạn bản hợp đồng theo mẫu Hợp đồng công chứng theo quy định của Bộ Tư pháp…?
Hành vi tẩu tán tài sản của bà Bảy có dấu hiệu tội phạm gì khi ông bà Toan - Tắc phát hiện Bảy rút 3 sổ tại BIDV tẩu tán sang ngân hàng công thương sau đó lại rút ra cho tặng con trai là Phạm Văn Sơn ? Vợ chồng bà Bảy tẩu tán tài sản nhằm mục đích trốn tránh nghĩa vụ thanh toán nợ gốc và lãi đối với khoản vay 1,8 tỷ, khi không thực hiện theo đúng thỏa thuận với ông Tắc, bà Toan về việc khi nào nợ giảm xuống sẽ ưu tiên rút sổ của họ ra sao?
Hành vi của vợ chồng bà Dung, Dũng chủ mưu chiếm đoạt tài sản, bàn bạc, phân công trách nhiệm lừa dối bà Toan, ông Tắc ra sao? Hứa trả giấy tờ chủ quyền nhà đất của bà Toan, ông Tắc cuối năm 2018 tại sao không trả mà sang tên tài sản cho con cái ? Khai báo gian dối buôn bán nông sản thua lỗ như thế nào, chứng cứ pháp lý về việc thua lỗ khi họ chiếm đoạt tiền mua nông sản của bà Sương, bà Lê …
Xem xét lại tổng thể bản ghi âm để xác nhận Biên bản thoả thuận có tính hợp pháp. Vì khi ông Tiến nhắc đến việc bà Dung, Dũng lén lút tăng số tiền bảo lãnh từ 300 triệu đồng lên 1,8 tỷ đồng, đổi tên người vay từ vợ chồng bà Dung, Dũng sang vợ chồng bà Bảy, Khải thì bà Dung nói “em sai toàn bộ”. Khi ông Tiến đọc lại Biên bản thoả thuận thì Dũng đã “dạ, dạ” nhất trí và ký, ghi vào Biên bản thoả thuận là hứa chậm nhất đến 30/12/2018 sẽ trả lại giấy tờ nhà cho anh chị, Dung tự nguyện ghi và không có sự đe doạ nào.
Từ những văn bản có tính pháp lý và bằng chứng liên quan, Tòa án Nhân dân thành phố PleiKu và Luật sư Triệu Trung Dũng - Giám đốc Công ty luật TDG, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội đều đưa ra nhận định về vụ việc trên là có dấu hiệu hình sự. Vậy vì lý do gì mà phía Cơ quan điều tra Công an tỉnh Gia Lai và Cơ quan điều tra Công an huyện Chư Sê đến nay vẫn chưa thể giải quyết thỏa đáng sự việc này? Đến bao giờ người dân Chư Sê mới được trả lại công bằng ?
Đề nghị UBND tỉnh, Ban kiểm tra Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, Công an tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai và Cơ quan điều tra Bộ Công an vào cuộc tiếp tục điều tra, xác minh, làm rõ thông tin để sớm trả lại công bằng cho những người dân huyện Chư Sê.
Với trách nhiệm của một cơ quan báo chí gắn nghiên cứu với thực tiễn thực thi pháp luật quản lý, chúng tôi cần có sự hợp tác nghiêm túc của các cơ quan, các cấp, các ngành ở Tỉnh Gia Lai và huyện Chư Sê trong sự việc đã nêu ở bài viết này để trả lại quyền lợi chính đáng cho người dân và để toà soạn trả lời đơn thư công dân trong thời gian sớm nhất./.
Ngọc Anh – Quốc Khải (Theo VNHN)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|