(Soha) - Nếu người dân gọi điện đến cấp cứu 115 (là việc thật) mà không đến thì có thể bị phạt hành chính hoặc nặng hơn là chịu trách nhiệm hình sự.
Ngày 23/9, một vụ tai nạn giao thông đã xảy ra trên đường Hoàng Đạo Thúy (Thanh Xuân, Hà Nội) khiến anh Trần Doãn Khánh Việt (SN 1984, trú tại Xa La, Hà Đông) tử vong. Thời điểm xảy ra tai nạn, nhà báo Trần Đăng Tuấn – nguyên Phó tổng giám đốc Đài truyền hình Việt Nam và nhiều người khác đã gọi điện báo cho cấp cứu 115 nhưng sau đó không thấy xe cấp cứu đến nên người dân phải thuê xe taxi đưa nạn nhân đến bệnh viện.
Trả lời chúng tôi về sự việc này, ông Trần Văn Nam – Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội giải thích rằng: “Lúc đó chúng tôi đã cử xe đi, tuy nhiên, khi trực ban gọi điện kiểm tra một lần nữa vào 1 trong 4 số máy gọi cấp cứu thì chủ số máy này cho biết đã gọi taxi đưa nạn nhân đi, không cần xe cứu thương nữa. Do đó, xe quay trở lại”.
Nếu người dân gọi điện đến tổng đài 115 không đến sẽ bị xử lý hình sự (ảnh minh họa)
Chị Hà Thu Trang (ở số 1503 17T8 Trung Hoà - Nhân Chính), người đã được Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội gọi điện lại - xác nhận: Lúc 21h36’ ngày 23/9, chị có gọi đến 115 nhờ dịch vụ cấp cứu và đến 21h45’ có điện thoại của Trung tâm 115 xác nhận thông tin thì chị đã nói là nạn nhân đi bằng taxi nên không cần 115 nữa.
Vậy nếu người dân hoặc bất kể ai đó gọi điện đến tổng đài 115 (là việc thật) mà không đến thì có vi phạm pháp luật không và vi phạm sẽ bị xử lý như thế nào?
Trao đổi với PV về vấn đề này, Luật sư Triệu Trung Dũng, Trưởng Văn phòng luật sư Triệu Dũng và cộng sự (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết, theo Quyết định 01/2008/QĐ-BYT ban hành ngày 21/01/2008 của Bộ Y tế nêu rất rõ về quy định cấp cứu ngoài bệnh viện, trong đó có công tác cấp cứu qua tổng đài 115.
Cụ thể, nếu người bệnh hay người nhà người bệnh (hoặc ai đó) gọi điện đến tổng đài 115 thì bộ phận điều hành cấp cứu có trách nhiệm phải điều động kíp cấp cứu đi làm nhiệm vụ, phối hợp chặt chẽ với tổ cấp cứu ngoài bệnh viện của các bệnh viện khác trong khu vực khi cần thiết.
Đối với kíp cấp cứu gồm bác sĩ (hoặc y sĩ), điều dưỡng có nhiệm vụ tổ chức đưa người bệnh ra khỏi khu vực đang bị đe doạ đến tính mạng; tổ chức cấp cứu người bệnh tại cộng đồng; tiến hành đánh giá, phân loại tình trạng người bệnh triển khai việc cấp cứu và ổn định người bệnh; làm bệnh án cho người bệnh theo quy định.
Đối với người bệnh sau khi được cấp cứu, tuỳ theo tình trạng bệnh tình sẽ giải quyết. Nếu tình trạng bệnh nhẹ, ổn định thì kê đơn, hướng dẫn điều trị và chăm sóc tại nhà. Còn nếu tình trạng bệnh nặng sẽ chuyển đến khoa cấp cứu của bệnh viện gần nhất phù hợp với tình trạng bệnh lúc đó.
Ngoài ra, trong trường hợp tiếp nhận thông tin, nghe yêu cầu cấp cứu qua số điện thoại 115, người nhận thông tin phải ghi đầy đủ thông tin về thời gian, địa điểm, yêu cầu cấp cứu, số lượng người, tình trạng người bệnh, số điện thoại của người gọi cấp cứu.
Sau đó, cấp cứu 115 chọn cơ sở y tế gần nhất phù hợp với tình trạng người bệnh để vận chuyển tới và liên hệ trước với cơ sở y tế đó để chuẩn bị tiếp nhận cấp cứu. Trong suốt thời gian vận chuyển, cấp cứu 115 tiếp tục các biện pháp cấp cứu và điều trị người bệnh.
"Nếu người bệnh và gia đình người bệnh gọi cấp cứu mà bộ phận điều hành không điều người (xe cấp cứu) là không thực hiện đúng theo Quyết định 01 của Bộ Y tế. Nếu gây thiệt hại về sức khỏe và tính mạng của người bệnh thì có thể sẽ bị xử lý hình sự với tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Trường hợp gây thiệt hại về sức khỏe thì tùy vào mức độ sẽ có hình thức xử lý theo các hình phạt tương ứng. Còn nếu không thực hiện việc cấp cứu làm chết người thì có thể bị bị xử lý theo điều 99, Bộ Luật hình sự về tội cố ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp và quy tắc hành chính" - luật sư Dũng cho biết thêm.
< Lùi | Tiếp theo > |
---|