(Dân Việt) - Thời gian gần đây, trên địa bàn cả nước xảy ra rất nhiều vụ trộm cắp vật nuôi táo tợn, bài bản với giá trị hàng trăm triệu đồng. Tình trạng này đang gây ra sự lo lắng trong khu vực nông thôn, đặc biệt là với các trang trại lớn, bởi mức độ nghiêm trọng của nó.
Ngày càng táo tợn
Những ngày đầu tháng 2.2016, người dân được phen bàng hoàng khi biết thông tin một nhóm trộm ở Bà Rịa – Vũng Tàu đã cả gan thực hiện vụ trộm chưa từng có. Các đối tượng này đã lên kế hoạch thực hiện một vụ trộm heo thịt trong một trang trại mà chính các đối tượng đang làm thuê.
Nhóm đối tượng gây ra 20 vụ trộm trâu bò ở Nghệ An trong ngày xét xử.Ảnh: Tư liệu
Các nghi can trong vụ án là Đặng Hoàng Huy và Đặng Văn Nguyên (trú Bạc Liêu) đã cấu kết với một số đầu mối bên ngoài và đã bắt 138 con heo trong trang trại của ông Phạm Hồng Thanh (Châu Đốc, Bà Rịa – Vũng Tàu). Đáng nói, các đối tượng đã bàn bạc rất kỹ lưỡng về kế hoạch, chuẩn bị rất chu đáo như dùng cả xe tải tới sát hàng rào trang trại để trộm heo và tẩu tán.
Đây là một vụ án gây chấn động với người dân bởi mức độ liều lĩnh và manh động của nhóm trộm heo. Các nghi can chỉ là những người làm thuê cho trang trại nuôi heo của ông Thanh, nhưng khi lòng tham nổi lên, họ sẵn sàng làm những chuyện không ai dám nghĩ tới với thủ đoạn, phương tiện tinh vi. Có thể nói, càng ngày tình trạng tội phạm xảy ra ở khu vực nông thôn càng gia tăng ở cả quy mô và số lượng, là điều đáng báo động.
Trước đó, vào cuối năm 2015 tại Nghệ An liên tục xảy ra các vụ trộm cắp trâu bò gây bức xúc và hoang mang trong nhân dân. Sau quá trình điều tra, xác minh, cơ quan điều tra xác định Ngô Văn Hùng (SN 1996) trú tại xã Đại Sơn, Đô Lương (Nghệ An) là đối tượng cầm đầu đường dây trộm cắp trâu bò xảy ra tại các huyện Đô Lương, Nghi Lộc (Nghệ An) và Nghi Xuân (Hà Tĩnh) gây thiệt hại gần 1 tỷ đồng của người dân.
Thủ đoạn của nhóm này cũng rất manh động và liều lĩnh. Chúng sử dụng ô tô tải đến tận địa điểm trộm cắp để tẩu tán tài sản, sau đó mang đi bán tại các tỉnh khác lấy tiền tiêu xài. Nhóm đối tượng này đã gieo rắc nỗi lo lắng, sợ hãi khắp vùng xứ Nghệ bởi những vụ trộm táo tợn của mình.
Hệ quả của tình trạng thất nghiệp nông thôn
Nêu quan điểm về vấn đề tội phạm ở nông thôn ngày càng gia tăng với chiều hướng tinh vi, manh động, luật sư Quách Thành Lực - (Công ty Luật Hà Nội Tinh Hoa, thuộc đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội) nhận định rằng có nhiều yếu tố dẫn đến tình trạng này.
Thứ nhất do lực lượng lao động, có sức khỏe ở nông thôn chuyển dịch phần lớn ra đô thị. Ở các vùng quê chỉ còn người già và trẻ em, những người này không đủ trí lực, sức khỏe để bảo vệ tài sản. Lợi dụng hoàn cảnh, điều kiện này nhiều đối tượng chọn địa bàn nông thôn để thực hiện hành vi trộm cắp, cướp của.
Thứ hai do kinh tế xã hội phát triển, cha mẹ không quan tâm hoặc không có thời gian hoặc điều kiện để quản lý giáo dục được con cái nên thanh niên dễ sa ngã vào tệ nạn, thói hư tật xấu.
Thứ 3 là thực trạng thất nghiệp ở các vùng quê đặc biệt là các vùng quê thuần nông hiện nay đã đến mức báo động. Cuối cùng, có một nguyên nhân không thể không nhắc tới đó là vai trò của cơ quan công an trong việc đấu tranh phòng chống tội phạm ở các vùng quê không thực sự mạnh mẽ, hiệu quả như các khu vực đô thị” .
Lười lao động, sống đua đòi
Trao đổi với PV về vấn đề này, luật sư Triệu Dũng, Văn phòng Luật sư Triệu Dũng và Cộng sự (Hà Nội) nhìn nhận: Các nghi can trong các vụ án trộm trâu bò gây ra thiệt hại lớn sẽ phải lĩnh một hình phạt thích đáng cho hành vi phạm tội của mình. Cụ thể, đối với Đặng Hoàng Huy và Đặng Văn Nguyên trong vụ án trộm 138 con heo ở Bà Rịa - Vũng Tàu, các nghi can sẽ bị xét xử về tội trộm cắp tài sản với khung hình phạt từ 7 năm đến 15 năm. Về nguyên nhân sâu xa, luật sư Dũng cũng đưa ra đánh giá: Có thể do các đối tượng lười lao động nhưng lại đua đòi theo lối sống hư hỏng của một bộ phận thanh niên thành thị.
Thứ hai không thể không nhắc tới là sự lơ là mất cảnh giác, thiếu đề phòng của người dân nông thôn. Thứ ba là nhận thức về tội phạm của bộ phận người dân còn hạn chế, trong khi tội phạm ngày càng tinh vi và hung hãn, một phần do học hỏi, tiếp xúc qua Internet... Thứ tư, việc giáo dục tuyên truyền pháp luật cuả các địa phương còn hạn chế, nhất là ở các vùng nông thôn xa xôi, hẻo lánh.
“Và cuối cùng, không thể không nhắc tới vấn đề truyền thống đạo đức và các hương ước không còn được duy trì và bảo tồn, phát huy như trước. Sự quan tâm giáo dục giữa các thế hệ cũng bị bỏ ngỏ do ai cũng mải mê kiếm tiền, mưu sinh”- luật sư Triệu Dũng phân tích./.
Nguyễn Hòa
< Lùi | Tiếp theo > |
---|