(Dân Việt) - Ông chủ bức tường vàng cho rằng, bức tường 1 tỷ đồng là giá rẻ, nhưng chủ nhân nhà liền kề bên trong vẫn không thể mua.
kjh
Nhiều ngày qua, thông tin về bức tường giá 1 tỷ đồng trên con đường đắt nhất hành tinh - đường Nguyễn Văn Huyên (quận Cầu Giấy, Hà Nội) nhận được sự quan tâm từ dư luận. Bức tường trên là của gia đình ông Nguyễn Phương Châm (phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy) sót lại sau khi giải phóng mặt bằng phục vụ làm đường.
Bức tường được ông Nguyễn Phương Châm rao bán với giá 1 tỷ đồng
Giải thích vì lý do rao bán với giá 1 tỷ đồng, chủ nhân bức tường cho hay, nếu mua lại bức tường, ngôi nhà phía trong nghiễm nhiên trở thành nhà mặt đường. Từ đó, giá đất cũng tăng vọt lên rất nhiều lần. Cụ thể, theo tìm hiểu của ông Châm, mảnh đất của nhà bên trong ban đầu “trăm triệu không ai mua”, nếu trở thành đất mặt đường sẽ có giá 350 triệu đồng/m2. Do vậy, ông Châm muốn nhà bên trong phải chia lợi cho mình.
Trước thông tin trên, chủ nhân nhà liền kề bên trong - bà Nguyễn Thị Hợi (SN 1947) cho biết hoàn cảnh gia đình bà khó khăn nên không thể mua bức tường với giá 1 tỷ đồng. Dù rằng, nếu không có bức tường, nhà bà sẽ trở thành nhà mặt đường.
Con trai bà Hợi – anh Nguyễn Anh Hiếu bày tỏ, ông Châm đưa ra giá bán bức tường 1 tỷ đồng, vượt quá khả năng mua lại của gia đình. Anh Hiếu đánh giá: “Giá bán bức tường như trên là hơi đắt”.
Anh Hiếu cũng bày tỏ sự đồng tình với lý do rao bán bức tường với giá 1 tỷ đồng của ông Châm. Theo anh Hiếu, đúng là nếu mua lại bức tường, mảnh đất nhà anh trở thành đất mặt đường, có giá bán rất cao. Nhưng điều đó chỉ đúng khi nhà anh bán đi sinh lợi và chuyển chỗ khác ở.
“Đây là đất ở nên nhà tôi không thể bán đi, dù với giá cao”, anh Hiếu nói.
Bà Nguyễn Thị Hợi, chủ nhân nôi nhà liền kề bên trong bức tường không thể mua vì … hơi đắt
Luật sư Triệu Trung Dũng, Giám đốc công ty luật TNHH TDG (Hà Nội) cho hay, nếu các bên không thỏa thuận được, UBND quận sẽ thu hồi lại bức tường 1,7m2 trên theo bảng giá đất thu hồi của Nhà nước (16 triệu đồng/m2 – PV).
Tuy nhiên, sau khi bức tường bị thu hồi, nhà bên trong cũng không nghiễm nhiên trở thành nhà mặt đường. Bởi theo quy định, diện tích đất sau thu hồi được sử dụng vào các mục đích như: Lập dự án sử dụng công trình công cộng (trong đó không được sử dụng để mở rộng vỉa hè, trồng cây xanh, thảm cỏ) có xây dựng tường rào ngăn cách với đất của hộ liền kề phía trong.
Như vậy, theo luật sư Dũng, nếu chủ nhân bức tường không bán được cho nhà bên trong sẽ bị thu hồi với giá theo quy định của nhà nước (thường rất thấp so với thị trường). Trong khi đó, nhà liền kề bên trong cũng không thể trở thành đất mặt đường nếu không mua được bức tường 1,7m2.
Ông cũng cho hay, trước khi phải dùng đến biện pháp thu hồi, UBND quận có trách nhiệm thông báo, hướng dẫn các chủ sử dụng đất có nhu cầu thỏa thuận chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để hợp thửa đất hoặc hợp khối nhà.
Ủy ban quận cũng phải tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ sử dụng đất làm thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng và tổ chức cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất...
Dương Tùng - Công Phương
< Lùi | Tiếp theo > |
---|