(Luật TD) - Các bằng chứng do VN đưa ra cho thấy các hoạt động do các chúa và các vua nhà Nguyễn trên Hoàng Sa và Trường Sa thường tiến hành trên năm lĩnh vực sau:
>> Kỳ 9: Tư liệu khách quan thừa nhận chủ quyền Việt Nam
1. Tổ chức khai thác có hệ thống các đảo.
2. Tổ chức công tác khảo sát đo đạc nhằm hiểu biết rõ lãnh thổ và đồng thời để kiểm tra, kiểm soát biển.
3. Xây dựng các miếu, đền, trồng cây như các dấu hiệu tượng trưng chủ quyền An Nam trên các đảo.
4. Tổ chức thu thuế tại chỗ.
5. Cứu trợ các tàu thuyền nước ngoài gặp nạn.
Về việc tổ chức các đội Hoàng Sa và Bắc Hải nhằm khai thác các tài nguyên sản vật trên biển, Phủ biên tạp lục (1776) có ghi:
“Trước họ Nguyễn đặt đội Hoàng Sa, lấy người xã An Vĩnh sung vào, cắt phiên mỗi năm cứ tháng ba nhận giấy sai đi, mang lương ăn đủ sáu tháng, đi bằng chiếc thuyền tiểu câu ra biển ba ngày ba đêm thì đến các đảo ấy rồi ở lại đó. Tha hồ kiếm lượm, bắt chim bắt cá mà ăn. Lấy được hóa vật của tàu, như là gươm ngựa, hoa bạc, tiền bạc, vòng bạc, đồ đồng, thiếc khối, chì đen, súng, ngà voi, sáp ong, đồ sứ, đồ chiên cùng là kiếm lượm mai đồi mồi, mai hải ba, hải sâm, hột cốc hoa, rất nhiều.
Đến kỳ tháng tám thì về, vào cửa Eo, đến thành Phú Xuân để nộp. Cân và định hạng xong mới đem bán riêng các thứ ốc hoa, hải ba, hải sâm, rồi lĩnh bằng trở về… Họ Nguyễn lại đặt đội Bắc Hải, không định bao nhiêu suất hoặc người thôn Tu Chính ở Bình Thuận hoặc người xã Cảnh Dương, ai tình nguyện đi thì cấp giấy sai đi, miễn cho tiền sưu cùng các tiền tuần đò, cho đi thuyền tiểu câu ra các xứ Bắc Hải, cù lao Côn Lôn và các đảo ở Hà Tiên, tìm lượm hóa vật của tàu và các thứ đồi mồi, hải ba, bào ngư, hải sâm, cũng sai cai đội Hoàng Sa kiêm quản”([1]).
Với việc dựng các đội thủy quân đặc biệt để khai thác các đảo, các chúa và vua nhà Nguyễn đã tỏ rõ ý chí nhà nước. Hoạt động này được tiến hành hằng năm và được đặt dưới kỷ luật nhà nước. Các đội viên có quyền được cấp giấy sai đi, được miễn thuế sưu, tiền đò và được thưởng tiền. Ngược lại, ai không hoàn thành nhiệm vụ sẽ bị trừng phạt tương xứng với mức độ nghiêm trọng của lỗi. Các chuyến đi và tuần tra các đảo được tổ chức thường xuyên. Mỗi khi hoàn cảnh đòi hỏi phải tạm hoãn, đều phải có chỉ dụ của nhà vua.
|
Ngay cả dưới thời Tây Sơn, triều đại ngắn ngủi, gián đoạn thời nhà Nguyễn, truyền thống đó vẫn được duy trì không ngắt đoạn.
Sách Đại Nam thực lục chính biên (1848) ghi nhận một loạt các hành động của vua Nguyễn để củng cố chính quyền của họ trên các đảo. Năm 1815, 1816, 1833, 1834, 1835, 1836, vua Gia Long và người kế nhiệm ông - vua Minh Mạng đều ra chiếu chỉ lệnh cho thủy quân và đội Hoàng Sa tới các đảo Hoàng Sa để ghi lại lộ trình. Quyển 165 viết:
“Năm Bính Thân, niên hiệu Minh Mạng thứ 17 (1836)... Bộ Công tâu: Xứ Hoàng Sa thuộc cương vực mặt biển nước ta, rất là hiểm yếu, từng sai vẽ bản đồ nhưng vì tình thế xa rộng, nên mới chỉ vẽ được một nơi, lại cũng chưa biết nên làm thế nào. Hằng năm thường phái người đi xem xét cho khắp để thông thuộc đường biển. Xem từ năm nay về sau, mỗi khi đến hạ tuần tháng giêng, phái thủy quân, biền binh và giám thành đáp một chiếc thuyền ô nhằm thượng tuần tháng hai thì đến Quảng Nghĩa (Ngãi - TN), giao cho hai tỉnh Quảng Bình, Bình Định thuê 4 chiếc thuyền của dân hướng dẫn ra xứ Hoàng Sa.
Không cứ là đảo nào, bãi nào, phàm khi thuyền đến nơi, tức là chiếu chỗ ấy chiều dài, chiều ngang, chiều cao, chiều rộng, chu vi Việt Nam và nước biển bốn bên xung quanh nông hay sâu, có bãi ngầm, đá ngầm hay không, hình thế hiểm trở bình dị thế nào, phải xem xét, đo đạc kỹ càng, vẽ thành bản đồ. Lại chiếu ngày khởi hành, từ cửa biển nào ra khơi, nhằm phương hướng nào đi đến nơi ấy, căn cứ vào thủy trình đã qua, tính ước được bao nhiêu dặm. Lại từ xứ ấy trông ra bờ biển, đối thẳng vào tỉnh hạt nào, phương hướng nào, đối chếch là tỉnh hạt nào, phương hướng nào, ước lượng cách bờ biển chừng bao nhiêu dặm, đều nhất nhất phải nói rõ, lần lượt đem về dâng trình.
Vua y lời tâu, sai Suất đội thủy quân Phạm Hữu Nhật đưa binh thuyền đi chuẩn bị mang theo 10 cái bàn gỗ, đến nơi dựng lên làm dấu ghi (mỗi bài gỗ dài 5 thước, rộng 5 tấc, dài 1 tấc, mặt bài khắc chữ: “Năm Minh Mạng thứ 17, Suất đội thủy quân Phạm Hữu Nhật vâng lệnh ra Hoàng Sa xem xét đo đạc đến đây lưu dấu để ghi nhớ”.
[1] Trích từ Sách trắng của Bộ Ngoại giao CHXHCN Việt Nam năm 1981, tr 9 - 11.
TS Nguyễn Hồng Thao
Theo Thanhnien
< Lùi | Tiếp theo > |
---|