Dantin - Khám sức khỏe trước hôn nhân nên được” luật hóa” để tạo ra sự bền vững cho cuộc sống vợ chồng sau khi kết hôn. Và hơn hết là những đứa con được sinh ra mạnh khỏe khi sức khỏe của bố mẹ hoàn toàn bình thường. Đó cũng là quan điểm đồng thuận của nhiều chuyên gia y tế, bác sĩ, luật sư.
Để hạnh phúc gia đình vẹn tròn.
Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý khám, chữa bệnh ( Bộ Y tế) cho rằng: “Đứng về khía cạnh bảo vệ sức khỏe, tôi ủng hộ quan điểm khám sức khỏe trước hôn nhân. Nhưng nếu đưa vào luật hay qui định bắt buộc thì các nhà làm luật phải suy nghĩ thêm ở nhiều khía cạnh khác và cần có thời gian xem xét kỹ. Quan điểm của tôi là nên đưa vào Luật Hôn nhân và Gia đình”.
Luật sư Nguyễn Quốc Việt, Phó Trưởng Văn phòng luật sư Triệu Dũng và cộng sự cũng đồng quan điểm trên.“Theo tôi, việc đưa điều kiện sức khỏe như là một điều kiện bắt buộc khi kết hôn là việc rất văn minh và thể hiện cao về văn hóa đời sống nên đưa vào quy định trong luật sửa đổi Luật Hôn nhân và Gia đình sắp tới. Xét về mặt y tế, cả đôi nam nữ có thể biết về tình trạng sức khỏe sinh sản. Thứ nhất, có thể phát hiện các bệnh tật có khả năng chữa trị hoặc những căn bệnh hiện chưa có thuốc điều trị để họ xác định có nên sinh con hay không và khả năng chữa trị bệnh tật ra sao. Thứ hai, nếu một trong hai người hoặc cả hai có khiếm khuyết về cơ quan sinh sản, không có khả năng sinh con hoặc phải chữa trị thì họ có thể biết trước để thể hiện ( hoặc không) sự quyết tâm vun đắp hạnh phúc lứa đôi trong tương lai và vượt qua những sự nghiệt ngã của bệnh tật. Xét về pháp luật, việc đưa qui định về điều kiện sức khỏe như là một điều kiện bắt buộc khi kết hôn để tránh trường hợp bạn đời tương lai lừa dối khi nhiễm HIV hoặc mắc bệnh AIDS – “căn bệnh thế kỷ”.
Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm của các nước phương tây.
Đối với các cặp vợ chồng tương lai khi xác định khả năng một bên khó có thể hoặc không thể có con thì họ có thể quyết định chín chắn để đăng ký kết hôn hoặc không kết hôn, tránh được những mâu thuẫn vợ chồng và có thể dẫn đến ly hôn và những hậu quả pháp lý đáng tiếc khác”, luật sư Việt nhấn mạnh.
Khó ở vùng sâu vùng xa
Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Lưu Hồng Minh, Trưởng khoa Xã hội học (Học viện Báo chí & Tuyên truyền), hiện ở nước ta không có những lớp bồi dưỡng, tư vấn về kiến thức Sức khỏe sinh sản (SKSS) và hôn nhân, gia đình nên “luật hóa” việc khám bệnh sẽ gặp khó khăn.
“Ở trong độ tuổi kết hôn muộn có những ca vô sinh rất cao. Nhưng theo tôi nghĩ để đưa vào Luật thì không thực chất lắm. Bởi vì đã là Luật là bắt buộc, tất cả phải tuân thủ. Chúng ta nên sử dụng các phương tiện truyền thông để tuyên truyền cho những đối tượng chuẩn bị kết hôn về SKSS. Đối với Luật thì rất cần và phải cung cấp thông tin cho họ, sau đó cơ quan chức năng mới cấp cho họ giấy ĐKKH. Luật Hôn nhân Gia đình ở nước ta hiện vẫn chưa thể áp dụng rộng rãi, vì ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa vẫn có những người dân tộc kết hôn từ những năm 14 tuổi. Cho nên, theo tôi nên biên soạn những kiến thức và thông tin cơ bản về SKSS, sức khỏe, tâm lý, tình dục… thành một tài liệu hay cẩm nang về hôn nhân gia đình để cung cấp và hướng dẫn cho mọi người biết, hiểu và thực hiện. Còn về Luật thì tôi thấy chưa phù hợp”, TS Lưu Hồng Minh nhấn mạnh
Chỉ nên là một điều kiên bắt buộc
Thạc sĩ Bành Quốc Tuấn (trường ĐH Kinh tế Luật ĐHQG TP.HCM) cho rằng: Nên qui định khám sức khỏe trước hôn nhân với hình thức là một điều kiện bắt buộc khi đi đăng ký kết hôn trong Luật Hôn nhân và Gia đình. Ông bày tỏ: “Về mặt sinh học, sức khỏe là một trong những điều kiện hết sức cần thiết để cho một người trở thành một bên chủ thể trong quan hệ hôn nhân. Để đảm đương được công việc của cuộc sống gia đình và duy trì tốt nòi giống (một chức năng quan trọng của gia đình) thì điều kiện sức khỏe có ý nghĩa rất quan trọng. Thực tế cũng đã cho thấy có nhiều cuộc hôn nhân mà mục đích hôn nhân không đạt được, bị đổ vỡ do một trong hai bên không đủ điều kiện về sức khỏe; Về mặt pháp lý: Nhiều thủ tục pháp lý hiện nay đều yêu cầu giấy khám sức khỏe như là một loại giấy tờ bắt buộc trong hồ sơ như: xin việc làm, thi bằng lái xe, đi học… Việc đăng ký kết hôn cũng cần phải theo hướng này.
“Về mặt nghiên cứu so sánh: Pháp luật hôn nhân và gia đình của nhiều nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan… đều qui định các bên nam nữ trong quan hệ hôn nhân phải đáp ứng điều kiện về sức khỏe. Về mặt lịch sử lập pháp: Những qui định về điều kiện sức khỏe khi đăng ký kết hôn đã được ghi nhận trong các văn bản pháp luật về hôn nhân gia đình trước đây. Cụ thể, Điều 10 Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959; Điểm b Điều 7 Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986; khoản 1 Điều 6 Pháp lệnh hôn nhân và gia đình giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài năm 1993”, ông Tuấn nói.
Vương Anh
< Lùi | Tiếp theo > |
---|