(Luật TD) - Ngày 8-9, bị can Võ Văn Minh, người bị khởi tố, bắt giam về hành vi mua bán chất ma túy, được phát hiện đã bị thương trong nhà tạm giữ của Công an TP Phan Rang, Tháp Chàm, Ninh Thuận. Dù công an đã đưa đi cấp cứu nhưng bị can Võ Văn Minh vẫn tử vong.
Ngược trở về trước, có thể thấy trong các vụ án oan hoặc có dấu hiệu oan, sai, hầu hết bị can, bị cáo đều khai mình bị bức cung, nhục hình. Từ Huỳnh Văn Nén đến Hàn Đức Long, từ Trần Văn Thêm đến năm công dân ở Tuyên Quang… đều có thể kể về những nhục hình mà mình phải chịu khi bị giam giữ.
Từ trái qua: Nguyễn Thanh Chấn, Hàn Đức Long, Trần Văn Thêm
Cá biệt như vụ việc năm công dân ở Tuyên Quang. Họ cho biết thậm chí còn bị dí dùi cui điện vào “chỗ kín” và buộc phải nhận tội. Cứ mỗi lần ra tòa kêu oan, không nhận tội thì khi về trại tạm giam, họ lại chịu những trận đòn “thừa chết thiếu sống”… Tuy nhiên, cuối cùng họ vẫn được đình chỉ bị can, trả tự do sau 14 phiên tòa không định tội được họ. Dẫu cho lý do đình chỉ là bị hại rút đơn, chiêu né bồi thường oan “kinh điển” thì họ vẫn còn rất… may mắn khi được tiếp tục sống để có cơ hội nhìn thấy công lý thực thi. Bởi vì đã có rất nhiều nghi can, bị can tử vong trong đồn công an, trại tạm giam mà không thấy được ngày minh oan đến.
Nhưng vấn đề đặt ra là: Có phải bây giờ tình trạng bức cung, nhục hình mới xảy ra? Và vì sao lại xảy ra bức cung, nhục hình?
Thực ra, hiến pháp qua các thời kỳ, pháp luật về hình sự và mới đây nhất là Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự chưa bao giờ cho phép sử dụng nhục hình, bức cung. Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự còn “cấm bức cung, dùng nhục hình và các hình thức tra tấn hoặc đối xử, trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo, hạ nhục con người…”. Mới đây, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình trong hội nghị triển khai BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung cũng đề cập đến vấn đề này. Theo chánh án, “anh thực thi công lý mà vi phạm công lý nữa thì rất nguy hiểm”
Nhưng thật trớ trêu, tình trạng nghi can, bị can chết trong đồn công an, trong trại tạm giam, trong nhà tạm giữ… thỉnh thoảng vẫn xảy ra như thách thức những quy định pháp luật vốn rất nhân văn. Cũng thật khó khăn để chứng minh được các bị can, bị cáo bị bức cung, nhục hình, nhất là khi họ đã “một đi không trở lại”.
Hàng loạt biện pháp đã được áp dụng như lắp đặt máy quay, máy ghi âm trong phòng hỏi cung, tăng cường sự tham gia của luật sư… vẫn có vẻ vẫn chưa phát huy hiệu quả. Bức cung, dùng nhục hình dường như đã trở thành căn bệnh trầm kha.
Nhưng không phải là không có thuốc chữa!
Pháp luật lúc nào cũng nghiêm minh, chỉ có điều khâu thực thi có nghiêm chỉnh hay không lại là vấn đề khác. Nếu bất kể một lời khai nào về bức cung, dùng nhục hình cũng được xem xét cẩn trọng thì chắc tình trạng “chết trong đồn công an” sẽ không đến mức làm nhức nhối cả Quốc hội. Nếu cá nhân nào dùng nhục hình để bức cung cũng được khởi tố nhanh như vụ Võ Văn Minh kể trên thì chắc công tác điều tra sẽ thực sự là một khâu quan trọng bảo vệ công lý.
Xét cho đến cùng, dù dùng nhục hình để bức cung có thể cho ra kết quả điều tra nhưng chắc chắn điều đó không bao giờ đảm bảo được công lý. Chỉ khi nào “thực thi pháp luật vẫn là khâu yếu” như Thủ tướng mới đây thừa nhận trước Quốc hội được khắc phục thì khi đó bức cung, dùng nhục hình mới vắng bóng trong quá trình điều tra.
Cũng bởi một điều hiển nhiên: Bức cung, dùng nhục hình không thể nảy sinh công lý.
< Lùi | Tiếp theo > |
---|