(Luật TD) - Dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước sửa đổi đã bổ sung thêm hai trường hợp được bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự là bị bắt oan, tạm giữ oan...
“Trong vụ án oan của ông Huỳnh Văn Nén, tôi đã phải vào tận Bình Thuận cùng chánh án TAND Tối cao bàn chuyện bồi thường cho ông Nén. Không hề đơn giản như chúng ta nghĩ! Bây giờ họ nói “Cách đây gần 20 năm, có bao giờ tôi nghĩ rằng tôi bị oan để giữ vé xe nhằm đòi bồi thường…” - Phó Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Hữu Thể đã nói như thế tại phiên họp của ban soạn thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước sửa đổi mới đây.
Mở rộng phạm vi bồi thường
Để tháo gỡ bất cập trong công tác giải quyết bồi thường nhà nước cũng như tạo thuận lợi hơn cho người bị thiệt hại, dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước sửa đổi đã quy định nhiều điểm mới. Trong đó, đáng chú ý là ngoài việc quy định pháp nhân cũng là đối tượng được bồi thường, dự thảo còn mở rộng phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước so với quy định hiện hành.
Theo dự thảo, trong hoạt động quản lý hành chính, Nhà nước sẽ bồi thường cả thiệt hại gây ra do quản lý nhà ở thuộc sở hữu nhà nước. Việc bổ sung quy định này nhằm phù hợp với quy định tại Điều 605 BLDS 2015 về bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình khác gây ra. Mặt khác, thực tế đã có nhiều trường hợp nhà ở thuộc sở hữu nhà nước cho thuê, cho mượn để xảy ra sự cố gây thiệt hại nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng, tài sản của tổ chức, cá nhân mà vụ sập nhà 107 Trần Hưng Đạo (Hà Nội) là một ví dụ. Cạnh đó, dự thảo cũng bổ sung thêm trường hợp bồi thường “thiệt hại gây ra do công trình đang xây dựng mà cơ quan nhà nước làm chủ đầu tư”.
So với luật hiện hành, dự thảo cơ bản vẫn giữ quy định về các trường hợp được bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự, chỉ bổ sung thêm hai trường hợp người bị bắt và người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp.
Vụ đòi bồi thường của ông Huỳnh Văn Nén tới nay vẫn chưa giải quyết xong. Trong ảnh: Buổi làm việc giữa TAND tỉnh Bình Thuận và các luật sư đại diện ông Nén ngày 20-5. Ảnh: P.NAM
“Thời gian qua, việc bắt người trong hoạt động tố tụng hình sự có nhiều sai sót. nhiều trường hợp đã bắt nhưng không được VKS phê chuẩn. Cạnh đó, khoản 1 Điều 31 BLTTHS 2015 cũng quy định “người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án oan, trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự…” - bản thuyết minh của tổ biên tập nêu rõ về bối cảnh, căn cứ của việc cần thiết phải bồi thường thiệt hại cho người bị bắt oan, tạm giữ oan.
Ngoài ra, phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, trong hoạt động thi hành án hình sự cũng được mở rộng hơn so với quy định hiện hành.
Quy định trình tự, thủ tục xin lỗi
Luật hiện hành chỉ dành một điều quy định về việc khôi phục danh dự cho người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự. Theo đó, trong hình thức trực tiếp xin lỗi, cải chính công khai tại nơi cư trú hoặc nơi làm việc của người bị oan, luật chỉ quy định yêu cầu có sự tham dự của đại diện chính quyền địa phương nơi người bị oan cư trú, đại diện của cơ quan nơi người bị oan làm việc, đại diện của một tổ chức chính trị, xã hội mà người bị oan là thành viên mà không quy định trình tự, thủ tục xin lỗi cụ thể. Chính vì vậy đã dẫn đến một số trường hợp cơ quan làm oan tổ chức xin lỗi qua loa, chiếu lệ, không tôn trọng người bị oan.
Để khắc phục, dự thảo dành hẳn một mục với ba điều quy định về vấn đề “phục hồi danh dự”. Đáng chú ý, dự thảo đã mở rộng phạm vi khôi phục danh dự không chỉ đối với người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự mà cả đối với người bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở chữa bệnh bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng sai. Việc khôi phục danh dự thực hiện đồng thời với giải quyết bồi thường, khác với quy định hiện hành là thực hiện khôi phục danh dự sau khi đã giải quyết bồi thường.
Cạnh đó, dự thảo cũng phân định rõ trách nhiệm của cơ quan bồi thường nhà nước và trách nhiệm của cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ đã gây ra thiệt hại. Theo đó, cơ quan bồi thường nhà nước được xác định là cơ quan chủ trì tổ chức việc xin lỗi, cải chính công khai, còn cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ đã gây ra thiệt hại vẫn là cơ quan phải chịu trách nhiệm chính trong việc nói lời xin lỗi tại buổi xin lỗi trực tiếp và phải thực hiện việc đăng báo, cải chính công khai.
Dự thảo cũng quy định cụ thể về trách nhiệm chủ trì tổ chức của cơ quan giải quyết bồi thường, trách nhiệm phối hợp của cơ quan gây thiệt hại và cơ quan bồi thường nhà nước, trình tự, thủ tục tiến hành các hoạt động cụ thể tại buổi xin lỗi trực tiếp.
Chủ động giải quyết bồi thường Một điểm đáng chú ý khác, dự thảo cũng quy định trường hợp người bị thiệt hại không cần yêu cầu bồi thường mà cơ quan giải quyết bồi thường phải chủ động giải quyết (đối với những vụ việc đã đủ căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; thiệt hại đã rõ ràng và có thể xác định ngay được mức bồi thường; người bị thiệt hại có địa chỉ, nơi cư trú rõ ràng). Trong hoạt động thụ lý hồ sơ yêu cầu bồi thường, việc chứng minh thiệt hại không phải là yêu cầu bắt buộc. Trường hợp người bị thiệt hại gặp khó khăn trong việc có được văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường thì có thể đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền hỗ trợ... Dự thảo cũng quy định chặt chẽ về tăng mức hoàn trả và quy định cụ thể trách nhiệm kỷ luật của cán bộ gây ra thiệt hại. Việc quyết định mức hoàn trả dựa trên mức độ lỗi và mức độ thiệt hại đã gây ra... Án hình sự: Xử sai, có đền không? Trong tố tụng hình sự, Nhà nước có bồi thường cho các trường hợp làm sai hay không? Án hình sự chúng ta xử cứ vòng đi vòng lại, hết sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm rồi lại sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm… kéo dài cả 10 năm không xong. Vậy cái sai ấy sẽ tính như thế nào? Có đền hay không? Ông LÊ HỮU THỂ, Phó Viện trưởng VKSND Tối cao |
ĐỨC MINH (theo PLO)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|