Bee.net.vn_Hiện nay, khoảng 16.000 người dân Việt Nam mới có 1 luật sư. Ở các nước khác, tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều. KH&ĐS có cuộc trò chuyện với LS Triệu Trung Dũng, trưởng Văn phòng luật Triệu Dũng và cộng sự, để hiểu thêm những vui buồn, khó khăn của nghề luật sư tại Việt Nam.
Quốc hội nói mãi nhưng…
Sắp tới sẽ sửa đổi hai bộ luật Tố tụng Hình sự và Tố tụng Dân sự, ông có ý kiến gì không?
Chúng tôi cũng hy vọng sẽ có sự thay đổi lớn trong lần sửa đổi tới đây. Nhưng nếu vẫn cứ để ba cơ quan tiến hành tố tụng chủ trì việc soạn thảo và sửa đổi thì chưa thể hội nhập quốc tế được và vẫn còn nhiều khó khăn cho luật sư và người dân. Tôi thấy cần thiết phải có sự tham gia của Bộ Tư pháp và Liên đoàn luật sư Việt Nam cùng chủ trì soạn thảo và sửa đổi mới bảo đảm sự vô tư, công bằng trong tố tụng, việc tranh tụng sẽ đúng với nghĩa tranh tụng chứ không chỉ là tranh luận như hiện nay.
Ông thấy luật sư Việt Nam hiện nay gặp khó khăn gì?
Ồ, luật sư Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn trong khi hành nghề. Chủ yếu là bị gây khó khăn từ phía các cơ quan tiến hành tố tụng.
Ví dụ cụ thể, thưa ông?
Chẳng hạn, luật sư yêu cầu điều tra viên báo trước thời gian, địa điểm hỏi cung bị can và được tham gia các hoạt động điều tra khác trong các vụ án giết người, họ lấy lý do mất số điện thoại luật sư không báo, nhưng khi luật sư xem, đọc hồ sơ điều tra thì danh thiếp ghi số điện thoại luật sư vẫn có trong đó. Họ vi phạm luật Tố tụng hình sự nhưng họ vẫn làm.
Có hay không có hiện tượng khi luật sư đưa ra lập luận, tài liệu luật pháp thích hợp thì thẩm phán vẫn cứ "makeno" ( mặc kệ nó), tức là vô hiệu hóa luật sư, có luật sư chỉ để cho có? Còn bản án đã được quyết định từ... trước?
Cách làm việc và tư duy theo kiểu án bỏ túi (tức là án được quyết định trước khi xét xử) hình thành từ khi nước ta còn trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và Mỹ, mọi việc phải chờ cấp trên chỉ đạo. Ngày nay tòa án có rất nhiều người có trình độ pháp lý cao như tiến sĩ, thạc sĩ luật nhưng có thể họ vẫn giữ lối tư duy đó.
Nghĩa là có hay không?
Biết vậy, nhưng chưa có chứng cứ để luật sư nói, luật sư kiến nghị. Quốc hội nói mãi nhưng đã thay đổi được đâu.
“Tôi cho rằng việc sửa đổi luật tổ chức TAND, luật tổ chức VKSND sẽ làm việc truy tố, xét xử rõ ràng, minh bạch hơn. Tức là Tòa án có thể xét xử độc lập, khách quan, tránh đựợc lề lối “án bỏ túi”. Thẩm phán thì có trình độ pháp lý cao và có kinh nghiệm hơn, tránh lối chỉ tuyển dụng bó hẹp trong ngành Tòa án dẫn đến việc Thẩm pháp vừa thiếu, vừa yếu về nghiệp vụ, kinh nghiệm; Tránh đựơc việc phải “vơ vét ” thẩm phán như vừa qua. Viện kiểm sát thì thay đổi được tình trạng vừa giữ quyền công tố vừa giám sát việc thi hành pháp luật, tức là “vừa đá bóng vừa thổi còi” và có thể thành lập được Viện công tố riêng biệt” - LS Triệu Trung Dũng
Quy kết tất cả luật sư chạy án là không đúng
Xin lỗi ông, người ta vẫn dè bỉu luật sư Việt Nam, nói luật sư chỉ là cò chạy án, bỏ tiền ra thuê Luật sư là để mua “quan hệ”?
Nói luật sư là cò chạy án chỉ là ý kiến của một số người thấy có một, hai luật sư tha hóa và nhiều người chuyên môi giới chạy án nên “chụp mũ” cho tất cả giới luật sư thôi.
Chúng tôi e ngại nhất là số người này, những này chỉ hiểu chút pháp luật hoặc không phải luật sư nhưng có “quan hệ” nên tự xưng là luật sư, thu tiền trái phép, chạy án... nên làm ảnh hưởng tới giới luật sư, làm người dân có nhầm tưởng cứ thuê luật sư là để mua quan hệ. Chẳng hạn, như Dũng Huế trong vụ án Bùi Tiến Dũng đâu phải là luật sư.
Báo chí cũng đã phanh phui rồi còn gì?
Cơ quan, ban ngành nào cũng có một vài cán bộ tha hóa, suy đồi đạo đức. Các tổ chức xã hội nghề nghiệp cũng không tránh khỏi có một vài người tha hóa trong tổng số gần chục nghìn người của tổ chức. Tỷ lệ đó là rất rất nhỏ, nhưng cứ quy kết cho tất cả thì không đúng và không khách quan.
Luật sư phải được Cảnh sát Tư pháp bảo vệ
Có nhiều hiện tượng luật sư bị đánh, bị hành hung, lăng mạ ngay tại tòa, luật sư phải làm gì để tự bảo vệ mình, chẳng lẽ, mỗi luật sư Việt Nam lại phải có... võ?
Tôi nghĩ rằng các nhà soạn luật phải đưa vào quy định: ngoài việc bảo vệ cho Hội đồng xét xử, giữ gìn trật tự phiên tòa thì luật sư cũng phải được cảnh sát Tư pháp bảo vệ. Đương nhiên, trong khi chờ pháp luật có quy định này, luật sư cũng phải lo tự bảo vệ mình.
Bằng cách nào?
Tùy cơ ứng biến thôi (cười).
Chết đói hay không phụ thuộc chính mình
Sự cạnh tranh trong giới luật sư có khốc liệt như ở một số ngành nghề khác không? Ví dụ cùng sự việc nhưng nơi này hạ giá để dìm nơi kia, hòng kí được hợp đồng bào chữa?
Cũng có trường hợp hạ giá nhưng xảy ra ở các luật sư mới ra nghề, ít kinh nghiệm hoặc các luật sư giàu kinh nghiệm giảm phí 50% khi áp dụng cho đối tượng chính sách.
Người ta tính toán ra con số hơn 16.000 người dân Việt Nam mới có 1 luật sư, trong khi đó, ở Mỹ, cứ 250 dân/1 luật sư, Nhật Bản 400 dân/ 1luật sư, Singapo 1000 dân/ 1 luật sư. Thế là nên mừng hay nên lo nhỉ? Có thể mừng vì ít luật sư thế thì luật sư Việt Nam không sợ... chết đói, lo vì lực lượng luật sư hơi..."mỏng” ?
Luật sư là những người hành nghề trong văn phòng hoặc công ty luật, không trong biên chế của cơ quan nhà nước, thu nhập của luật sư là từ các khoản thù lao do khách hàng trả nên “chết đói” hay không phụ thuộc vào chính vào trình độ và uy tín của luật sư.
Còn luật sư càng đông, tất nhiên phải đi cùng với chất lượng cao, thì có lợi cho người dân và luật sư ngày càng nâng cao được vị thế trong xã hội.
Gần đây, người ta nói nhiều đến vị trí của luật sư Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế. Bao giờ thì luật sư Việt Nam cãi ngang ngửa với luật sư nước ngoài là câu hỏi nhiều người không phải muốn hỏi mà muốn luật sư Việt Nam chứng minh?
Luật sư Việt Nam hiện nay có rất nhiều người cãi ngang ngửa với luật sư nước ngoài nhưng họ chưa được sử dụng đúng với trình độ chuyên môn nghiêp vụ của họ thôi. Có thể đãi ngộ của các lãnh đạo doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế hoặc tổ chức xã hội chưa xứng đáng với công sức họ bỏ ra hoặc do luật sư Việt Nam chưa được coi trọng do quan niệm của chúng ta vẫn mang quan điểm theo cơ chế xin cho và “sính ngoại”.
Xin cảm ơn ông!
Việt Nga_ báo KH&ĐS số 156 ngày 30/12/2010
< Lùi | Tiếp theo > |
---|