(TDGLaw) - Nhiều dự án công viên như Kim Quy, Hello Kitty dù đã được khởi động từ cách đây vài năm, nhưng tới nay vẫn đang bỏ hoang, lãng phí về nguồn lực đất đai, gây bức xúc cho nhân dân.
Tại phiên giải trình của HĐND TP.Hà Nội về đầu tư, khai thác các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn sáng nay 25.4, đại biểu Duy Hoàng Dương nhắc đến các dự án công viên treo gây lãng phí tại Hà Nội hiện nay.
Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chu Ngọc Anh - VIẾT THÀNH
Cụ thể, công viên Hello Kitty và Kim Quy là 2 dự án đầu tư ngoài ngân sách. Tại hội nghị đầu tư phát triển của thành phố tháng 6.2021, các chủ đầu tư kiến nghị được triển khai dự án, mong muốn UBND TP.Hà Nội tạo điều kiện về thủ tục hành chính cũng như các công tác khác, nhưng đến nay cả hai đều chưa được đưa vào sử dụng. Theo ông Dương, đây là sự lãng phí về nguồn lực đất đai cũng như gây bức xúc cho nhân dân.
Trả lời đại biểu Dương, Giám đốc Sở QH-KT Hà Nội Nguyễn Trúc Anh cho biết, công viên Kim Quy hiện không vướng gì về quy hoạch mà chủ yếu về vấn đề giải phóng mặt bằng.
Còn theo Giám đốc Sở KH-ĐT Đỗ Anh Tuấn, dự án công viên Kim Quy đã có chấp thuận chủ trương đầu tư, có quyết định giao đất, diện tích bàn giao giải phóng mặt bằng là 988.000 m2/hơn 1 triệu m2, phần mặt bằng còn lại H.Đông Anh đang triển khai.
Theo quy hoạch, công viên Kim Quy là dự án công viên lớn của Hà Nội, nằm trên địa bàn xã Vĩnh Ngọc, H.Đông Anh. Dự án quy mô hơn 100 ha, tổng vốn khoảng 4.600 tỉ đồng, khởi công từ tháng 9.2016 và cam kết cuối năm 2018 đưa vào sử dụng giai đoạn 1, nhưng đến nay nơi đây vẫn là khu đất trống.
Về dự án công viên Hello Kitty, Giám đốc Sở KH-ĐT Hà Nội Đỗ Anh Tuấn cho biết, dự án được UBND TP.Hà Nội có quyết định chủ trương đầu tư năm 2018, dự kiến hoàn thành năm 2020. Sau khi hoàn thành thủ tục đất đai, chủ đầu tư tiếp tục điều chỉnh chủ trương đầu tư và triển khai dự án.
Thông tin thêm, Giám đốc Sở QH-KT Hà Nội cho biết, dự án Hello Kitty vướng chủ yếu về giải phóng mặt bằng và được giao cho chủ đầu tư vì có một phần đất công.
Về dự án Công viên văn hóa Đống Đa, dù đã có quyết định triển khai từ năm 1998, đồng thời thành phố đã có quyết định thu hồi đất tại 3 phường song tới nay vẫn chưa triển khai. UBND Q.Đống Đa cho biết, đã giải phóng được 132 hộ với diện tích trên 9.000 m2 và khoảng 10.000 m2 tại khu bãi đất lấn chiếm. Sau khi giải phóng mặt bằng, quận đã sử dụng một phần đất xây trạm điện, sân bóng, trường học…
Năm 2007, thành phố có văn bản giao Công ty BRG đề xuất lập quy hoạch, đầu tư xây dựng Công viên văn hóa Đống Đa, tuy nhiên từ đó đến nay đơn vị này chưa thực hiện. Khó khăn, vướng mắc chính là về giải phóng mặt bằng, chế độ, chính sách tái định cư, giá đền bù chưa thỏa đáng.
Phó giám đốc Sở QH-KT Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh cũng cho biết, dự án Công viên văn hóa Đống Đa đã kéo dài khoảng 20 năm nhưng chưa triển khai, vướng mắc lớn nhất là công tác giải phóng mặt bằng. Giai đoạn 1 của Công viên văn hóa Đống Đa có quỹ đất 8,5 ha, song tới nay mới triển khai được 1,9 ha, đây là vướng mắc lớn giữa chủ đầu tư và chính quyền địa phương.
“Riêng vấn đề giải phóng mặt bằng, Q.Đống Đa và Q.Ba Đình cần có pháp lý đối với các hộ dân sử dụng đất hiện nay đang trong khu vực công viên để Sở có rà soát về ranh giới mới. Sở QH-KT và Viện Quy hoạch xây dựng sẽ có kiến nghị với thành phố về ranh giới mới của dự án”, ông Nguyễn Trọng Kỳ Anh cho hay.
Phát biểu tại phiên giải trình, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chu Ngọc Anh khẳng định, ngay sau phiên giải trình, UBND TP.Hà Nội sẽ yêu cầu giám đốc các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã tập trung xử lý, kịp thời giải quyết thỏa đáng những vấn đề được các đại biểu HĐND thành phố nêu.
Về dự án Công viên Kim Quy, ông Chu Ngọc Anh thừa nhận trách nhiệm UBND thành phố chậm trễ vì có lịch sử liên quan, nhưng thời gian qua cơ bản các vướng mắc cũng đã được tháo gỡ.
Với dự án Công viên văn hóa Đống Đa, ông Chu Ngọc Anh yêu cầu Sở QH-KT cùng các sở, ngành, đơn vị liên quan phải thực hiện dứt điểm điều chỉnh quy hoạch xong trong 2 tháng nữa.
Về việc lấn chiếm đất ở khu vực Thành Công cũ (Q.Đống Đa), ông Chu Ngọc Anh cho biết, thành phố đã giải tỏa được 132 hộ dân với 9.000 m2 tại khu vực ao Thất Thợ và khoảng 10.000 m2 tại khu bãi rác Thành Công. Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cũng yêu cầu Chủ tịch UBND Q.Đống Đa phải quán xuyến chặt chẽ, không để tái lấn chiếm; thực hiện đồng bộ với giải phóng mặt bằng đảm bảo tiến độ theo điều chỉnh quy hoạch.
Thanhnien.vn (Tổng hợp)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|