(Luật TD) - Nếu quy định luật sư phải tố giác thân chủ, pháp luật đã vô tình đẩy họ thành con người vô cảm và bội tín với khách hàng.
Ngày 30/5, Quốc hội tổ chức lấy ý kiến dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự, tuy nhiên do có nhiều ý kiến về quy định liên quan trách nhiệm tố giác thân chủ (có hành vi phạm tội nghiêm trọng hoặc tội xâm phạm an ninh quốc gia) của luật sư nên nội dung này được xem xét lại "sao cho thấu tình đạt lý", rồi mới đưa ra Quốc hội biểu quyết.
Quy định mới trong dự thảo đang khiến nhiều đại biểu Quốc hội lo ngại nghề luật sư bị thân chủ tẩy chay, còn "người trong cuộc" lại thấy công việc của mình chông chênh hơn bao giờ hết.
Không luật sư nào muốn làm người bội tín với thân chủ
Luật sư Kiều Anh Vũ (Đoàn Luật sư TP HCM) cho rằng quan hệ giữa luật sư và thân chủ dựa trên niềm tin tuyệt đối. Khách hàng phải tuyệt đối tin tưởng để chia sẻ mọi khía cạnh của vụ án. Chính vì thế, luật sư phải tuyệt đối bảo mật thông tin của khách hàng để lựa chọn phương án bào chữa, bảo vệ tốt nhất.
"Buộc luật sư tố giác thân chủ, dù trong hoàn cảnh nào cũng là ép bội tín với khách hàng, phản bội lương tâm nghề nghiệp", luật sư Vũ nói.
Luật sư Vũ phân tích, quan hệ luật sư – khách hàng (thân chủ) là quan hệ đặc thù với những đặc quyền pháp lý được ràng buộc bởi Luật Luật sư, quy định của pháp luật liên quan và Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp. Nguyên tắc xuyên suốt của những quy định này là luật sư “bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng” và "bảo mật thông tin".
Ông Vũ lo ngại quy định như dự thảo đặt luật sư vào tình thế “giữa hai con đường”, chông chênh và nghiệt ngã. "Nếu không tố giác thì có nguy cơ phải chịu trách nhiệm hình sự; nếu tố giác thì phản bội chính thân chủ của mình, là từ bỏ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp", luật sư nói.
Cùng quan điểm, luật sư Vũ Quang Đức (Đoàn luật sư TP HCM) cho rằng khung pháp lý cho hoạt động của luật sư là Luật luật sư. Nhưng tại đây quy định luật sư phải có nghĩa vụ bảo vệ thân chủ, không buộc có tố giác nếu phát hiện tội phạm.
Theo ông Đức, thân chủ vì tin luật sư của mình mà cung cấp thông tin liên quan tới vụ việc, giờ luật sư sử dụng chính thông tin đó để tố giác thì "đánh" ngay vào niềm tin của thân chủ. "Trong khi niềm tin ở xã hội đang bị xói mòn thì quy định này sẽ càng làm cho nó bị khủng hoảng", luật sư Đức băn khoăn.
Ai còn dám làm luật sư?
Luật sư Đức cho hay, Bộ luật Tố tụng hình sự quy định nhiệm vụ chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan điều tra và viện kiểm sát chứ không phải luật sư. Ông dẫn chứng, giả sử luật sư chỉ nghe thân chủ trình bày 'tôi đang muốn phạm tội giết người' thì đó chỉ là dấu hiệu phạm tội. Nếu quá trình điều tra sau đó xác định không phải như vậy thì coi chừng luật sư lại vướng tội Vu khống.
Luật sư Vũ Tiến Vinh nói nếu quy định luật sư phải tố giác thân chủ thì ông e không ai dám thuê luật sư, thiên chức của nghề luật sư sẽ bị triệt tiêu. "Nếu bị can không tin luật sư, không mời bào chữa nữa thì liệu có kiểm soát được tình trạng oan sai hiện nay.
"Nếu chỉ qua vài lời trình bày, không có chứng cứ thì luật sư sao dám khẳng định thân chủ có hành vi phạm tội mà đi tố cáo. Nếu tố cáo sai, luật sư chịu hậu quả thế nào?", ông Vinh quan ngại.
Theo luật sư Vinh, trong quá trình đào tạo luật sư, các học viên đều được truyền thụ rằng khi được thân chủ thú nhận phạm tội phải động viên để họ khai báo với cơ quan điều tra chứ không bao giờ lại đi "chỉ điểm".
Bộ luật Hình sự hiện hành có quy định về “đồng phạm”, về “tội che giấu tội phạm”, như thế là đủ để buộc mọi công dân phải tích cực tham gia phòng, chống tội phạm. Nếu luật sư cấu kết với thân chủ với vai trò đồng phạm, thực hiện hành vi che giấu tội phạm thì đương nhiên phải chịu trách nhiệm pháp lý. Tuy nhiên, nếu buộc luật sư phải tố giác thân chủ thì lại là câu chuyện khác.
"Do vậy, luật cần quy định miễn trừ trách nhiệm tố giác của luật sư đối với thân chủ. Nếu không pháp luật sẽ vô tình đẩy luật sư trở thành con người vô cảm và bội tín", luật sư Vinh nói.
Khoản 4 điều 5 Luật Luật sư hiện hành và Quy tắc 3 Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam (ban hành kèm theo Quyết định số 68/QĐ-HĐLSTQ ngày 20/7/2011 của Hội đồng luật sư toàn quốc) quy định: Luật sư có nghĩa vụ bảo đảm chất lượng dịch vụ pháp lý cung cấp cho khách hàng, tận tâm với công việc, sử dụng kiến thức chuyên môn, các kỹ năng nghề nghiệp cần thiết để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích của khách hàng...
Điều 25 Luật Luật sư và Quy tắc 12 quy định: Luật sư có nghĩa vụ giữ bí mật thông tin của khách hàng khi thực hiện dịch vụ pháp lý và cả khi đã kết thúc dịch vụ đó. Trừ trường hợp được khách hàng đồng ý hoặc theo quy định của pháp luật; luật sư có trách nhiệm yêu cầu các đồng nghiệp có liên quan và nhân viên của mình cam kết không tiết lộ những bí mật thông tin mà họ biết được và giải thích rõ nếu tiết lộ thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Luật sư Vũ nhận định những quy định nêu trên mang tính tiến bộ. Đây cũng là quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của luật sư mang tính phổ quát trên thế giới mà luật sư nhiều nước đang tuân thủ.
Bảo Hà - Phan Xâm_ Theo Vnexpress
< Lùi | Tiếp theo > |
---|