(ĐS&PL) - Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến thẳng thắn chỉ ra: "Việc một số tờ báo đưa thông tin đời tư của những người nổi tiếng nhằm tạo những tin bài giật gân, câu khách để bán báo là một hiện tượng xấu".
Theo luật sư Nguyễn Hoàng Tiến, điều này sẽ tạo nên một dư luận không tốt làm tổn hại đến nghề nghiệp, danh dự, cuộc sống của công dân. Và nó không chỉ dừng lại ở hậu quả trước mắt về tinh thần mà còn ảnh hưởng đến cả sự nghiệp tương lai, hạnh phúc gia đình nếu thông tin bị đưa sai lệch". Ông dẫn chứng ngay trong hoạt động tư pháp, thì việc tiết lộ thông tin mật, hoặc những thông tin làm ảnh hưởng đến cá nhân, cơ quan đều thuộc những điều bị luật cấm.
Ông Tiến nhận định: "Việc đưa lên báo chí những thông tin làm ảnh hưởng đến quyền nhân thân của con người, gây thiệt hại đến đời sống tinh thần của công dân, pháp luật đã quy định thì phải được xử lý nghiêm". Những trường hợp "nhẹ" có thể bị khởi kiện ra tòa dân sự, yêu cầu bồi thường danh dự, vật chất, "nặng" thì có khả năng bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo ông Tiến, cần phải xác định được ranh giới giữa bí mật đời tư và thông tin cá nhân để có những định hướng cụ thể cho báo chí khi thông tin đến công chúng. Vấn đề đặt ra là cần phải có một cơ chế rõ ràng và nghiêm khắc để hạn chế tình trạng này. Khi đó, nhà báo sẽ nhận thức được việc bảo vệ bí mật đời tư nhân vật mình viết.
Cũng bàn về vấn đề này, luật sư Triệu Trung Dũng - Trưởng văn phòng Luật sư Triệu Trung Dũng khẳng định với PV Người đưa tin: "Thông tin cá nhân của những người có địa vị xã hội, nổi tiếng, giàu có bị đưa lên báo chí làm tâm điểm dư luận là hành vi vi phạm pháp luật. Đánh giá bản chất sự việc, thì những tờ báo đó đã vi phạm đến quyền nhân thân".
Căn cứ vào các quy định tại Bộ luật Dân sự về quyền bảo vệ bí mật đời tư, ông Dũng nhấn mạnh: "Một số tờ báo đã hành nghề không đúng chức năng, quyền hạn của mình mà trực tiếp vi phạm vào các quy định của Bộ luật Dân sự về quyền nhân thân. Vì vậy, những cá nhân bị đưa thông tin sai lệch phải biết tự bảo vệ quyền lợi của mình. Họ có quyền khởi kiện cá nhân, cơ quan, tổ chức đã bôi nhọ, làm ảnh hưởng đến uy tín, sự nghiệp của mình ra TAND để yêu cầu bảo vệ quyền nhân thân của mình. Khi đó, hiện tượng này mới có thể được xử lí theo pháp luật".
Đánh giá về nguồn gốc vi phạm, luật sư Triệu Trung Dũng nhận định: "Phải xem xét cụ thể bản chất nội dung thông tin đưa lên báo. Vì những mục đích khác nhau mà một số tờ báo đã có những định hướng dư luận không đúng. Điều này rất nguy hiểm đến cách nghĩ, lối sống của công dân đối với cá nhân, thậm chí là với cả một ngành nghề nhất định. Khi đó công chúng sẽ có cái nhìn phiến diện về ngành nghề đó và dẫn đến những định kiến, ác cảm với ngành nghề này".
Sau khi nêu rõ các điều luật quy định về bí mật đời tư của công dân, luật sư Dũng kết luận: "Ranh giới giữa bí mật đời tư và thông tin đại chúng rất gần nhau. Việc đưa thông tin cá nhân lên các trang thông tin đại chúng cần được sự định hướng rõ ràng từ cơ quan tuyên giáo Trung ương. Đặc biệt phải quán triệt từ khâu khai thác thông tin".
Luật sư Dũng nhấn mạnh: "Khi luật pháp ta chưa được chặt chẽ thì cần thiết việc ý thức của từng cá nhân. Nếu không tự ý thức được quyền nhân thân thì chính những cá nhân đó đã tự tước đoạt đi quyền cá nhân của mình". Và để giảm thiểu tình trạng này, luật sư Triệu Dũng khẳng định: "Khi chúng ta bị xâm phạm thì chính chúng ta phải là người đứng lên đòi lại quyền nhân thân cho mình".
Theo NĐT
< Lùi | Tiếp theo > |
---|