(TDGlaw) - Có người hát karaoke ở nhà như một hành động sinh hoạt văn hoá, văn nghệ tại gia, tự thoả mãn tình yêu âm nhạc của mình. Có người, lại là hình thức “luyện chưởng” để khi ra hàng karaoke hát được “nhuyễn”.
Ảnh minh họa
Nhiều người vợ, chỉ vì không muốn các đức ông chồng ra ngoài hò hát mà tậu hẳn về nhà mình một giàn karaoke. Và xung quanh cái việc “sinh hoạt văn hoá” này cũng thật lắm rắc rối.
Karaoke tại nhà, chẳng thể có phòng cách âm ngăn không cho tiếng ồn vọng ra ngoài làm phiền người khác. Thế là, những âm thanh hỗn tạp của nhạc, của tiếng người hát, của loa tậm tịt cứ thế tra tấn bao nhiêu người xung quanh. Rồi nhạc sến, nhạc vàng, nhạc xuyên tạc, nhạc chế bậy bạ tha hồ được người hát xướng lên cho cả “huyện người” nghe. Khổ nhất là những đứa trẻ, giờ học thì trời có nóng thế nào cũng bị bố mẹ bắt vào tận trong phòng để học, đóng kín tất cả các cửa, ấy thế mà cái âm thanh hỗn tạp ấy vẫn lọt vào.
Bà Nguyễn Thuý Ngà, nhà B, tập thể Nghĩa Tân nhăn nhó: “Hôm qua thằng cháu nội 6 tuổi của tôi hỏi: “Bà ơi, trái tim ta tật nguyền là thế nào hả bà?”. Thì ra nhà bên cạnh suốt ngày gào thét cái bài hát đó. “Mỗi khi cái ông karaoke kia nổi hứng, vợ chồng tôi phải thuê taxi đưa bố tôi sang nhà thông gia “lánh nạn” – anh Trần Tuấn Anh, nhà C tập thể Vĩnh Phúc chán nản.
Phong trào hát karaoke tại nhà nở rộ, nhất là các vùng thôn quê. Ở thôn quê, sau mỗi buổi sáng đi làm đồng về thanh niên trai tráng lại tụ tập về nhà ai đó có âm thanh thiết bị, thế là thoả sức hò hét. Hát thì ít, hét thì nhiều. Gia đình anh Phạm Văn Long ở Mai Đình, Ứng Hoà , Hà Nội cho biết: “Quê em, trai làng rất thích hát karaoke. Nhờ có phong trào ca nhạc này mà trai gái dễ tìm đến với nhau”.
Hát karaoke là sinh hoạt văn hoá thường thấy ở các nước châu Á. Người Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam đều thích hát karaoke. Tuy nhiên hát thế nào, nhạc gì, âm lượng ra sao, hát vào thời điểm nào cho thích hợp thì còn nhiều chuyện phải bàn.
gfds
TS Vật lý Nguyễn Văn Khải: Độ ồn 600b là gây ảnh hưởng không tốt cho sức khoẻ
Khi hát karaoke tại gia thường là những người không chuyên, không có giọng, không lên không xuống được nên họ phải gào thật to. Âm lượng đó thường vượt chuẩn nhiều lần nên bản thân người hát karaoke cũng ảnh hưởng thần kinh, người xung quanh thì nhức đầu và căng thẳng. Nhà của chúng ta là nhà liên thông, liền kề nên âm lượng vọng ra ngoài rất lớn. Chưa có nghiên cứu nào đo độ ồn đó nhưng tôi dám chắc nó phải lên tới vài trăm đêxiben mới gây ra rung chuyển sàn nhà, cửa kính như vậy.
Khi một gia đình hát karaoke thường kèm theo ăn uống, tụ tập. Người hát muốn nghe rõ giọng mình thì phải gào lên, người không hát, muốn nói chuyện cũng phải hét lên. Thế là mớ âm thanh hỗn tạp đó cứ bay ra ngoài làm ảnh hưởng tới những nhà xung quanh.
Tôi phải công nhận rằng văn hoá karaoke của ta thì không nước nào có cả. Giọng hát búa nện, sai nhạc, sai lời đến khó chịu. Tôi nghĩ, nếu muốn tổ chức hát karaoke tại nhà thì nên làm phòng cách âm, hát hò không nên quá khuya làm ảnh hưởng tới những người xung quanh, đặc biệt là người già, trẻ nhỏ.
Ông Hoàng Đạo Toàn, Cục trưởng Cục VHTTCS, Bộ VH-TT&DL: Hãy báo cho cảnh sát khu vực
Về loại hình karaoke gia đình hiện nay Cục Văn hoá cơ sở không quản lý, chúng tôi chỉ quản lý loại hình kinh doanh karaoke. Tuy nhiên, nói như vậy không phải Cục VHTHCS không quản lý và thiếu trách nhiệm. Nếu quần chúng nhân dân phát hiện những hộ gia đình tự ý mở karaoke, hát hò gây mất trật tự công cộng thì báo ngay cho cảnh sát khu vực.
Đối với loại hình karaoke của gia đình thì hiện nay vẫn chưa có văn bản hay chế tài quản lý cụ thể về việc hát karaoke gia đình nên việc xử phạt đầu tiên là nhắc nhở, nếu tái phạm thì có thể căn cứ theo Nghị định 31/2001/NĐ ngày 26/6/2001 về xử phạt hành chính với những hộ vi phạm trong lĩnh vực văn hoá – thông tin.
gfds
Luật sư Triệu Trung Dũng_Giám đốc công ty luật TNHH TDG : Hát karaoke mà gây mất trật tự cũng là vi phạm pháp luật
Việc hát karaoke ở nhà là một sinh hoạt văn hoá văn nghệ lành mạnh, tạo sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình. Tuy nhiên, việc không cách âm đã khiến sinh hoạt văn hoá này trở nên ầm ĩ, gây ảnh hưởng đến những người xung quanh. Nếu việc này diễn ra sau 23h, nghĩa là đã quá giờ quy định về trật tự an ninh số 05 của UBND thành phố thì đây là hành vi bị nghiêm cấm. Nhưng không loại trừ trường hợp trước giờ cấm đó, mà gây mất trật tự quá thì người dân cũng có quyền đề nghị chính quyền địa phương xử lí theo pháp luật…
gfds
Bà Vũ Thuý Anh, trưởng phòng quản lý Văn hoá, Sở VH – TTDL Hà Nội: Đã phân cấp rõ ràng
Hiện nay Sở Văn hoá - Thể thao & Du lịch Hà Nội đã có sự phân cấp về quản lý kinh doanh karaoke cũng như hoạt động karaoke của các hộ gia đình. Kinh doanh karaoke của gia đình mà gây mất trật tự thì hàng xóm có thể phát đơn. Ở đây là đơn khiếu nại hoặc đơn tố cáo thì sẽ xử lý theo Luật Khiếu nại, tố cáo.Trong trường hợp này, người dân phải phát đơn đến UBND quận, phường nơi xảy ra lộn xộn, mất trật tự trị an. Sau khi nhận được đơn khiếu nại thì thanh tra văn hoá sẽ phối hợp với chính quyền địa phương nơi xảy ra lộn xộn, mất trật tự trị an. Sau khi nhận được đơn khiếu nại thì thanh tra văn hoá sẽ phối hợp với chính quyền địa phương nơi xảy ra mất trật tự xuống kiểm tra lập biên bản. Khi xuống kiểm tra phải xác định độ ồn quá mức thì mới xử lý.
Tuy nhiên, việc lập biên bản thì do thanh tra văn hoá còn xử phạt lại thuộc trách nhiệm của cấp quận. Chỉ thị 17 nêu rõ, nếu phát hiện những cơ sở hay hộ gia đình tự ý mở karaoke gây mất trật tự phải báo cáo với UBND quận, huyện để đình chỉ hoạt động và xử phạt chủ hộ. Nếu thanh tra văn hoá kiểm tra thấy mức độ vi phạm nhiều lần thì xảy ra ở quận nào, quận đó phải chịu trách nhiệm.
Người dân nói gì?
Bà Trương Thị Tứ, Khê Lôi, Liêm Tiết, Thanh Liêm, Hà Nam: Phong trào karaoke ở quê rất mạnh
Quê tôi phong trào hát karaoke rất rầm rộ. 10 nhà thì phải có đến 5 nhà có đầu karaoke. Cuộc sống ở thôn quê thiếu các tụ điểm vui chơi, hiếm khi đi ra khỏi luỹ tre làng, vì thế khi có karaoke thì những gia đình có thanh niên và kinh tế kha khá đều sắm đầu karaoke về hát.
Phải nói rằng hát karaoke về hát vui lắm. Cứ bật nhạc lên thấy quen quen là có thể hát được. Thanh niên chỗ tôi nếu không phải ngày mùa thì hát thâu đêm suốt sáng. Của đáng tội nhạc to, các gia đình xung quanh có người già thì cũng không ngủ được. Đã có mấy vụ đánh nhau chỉ vì karaoke. Nhà nọ bật to hơn, đè lên nhạc của nhà kia, vậy là đổ máu.
Ở quê chẳng có “luật” hát mà chỉ có “lệ”. Nhà nào mạnh thì “lệ” thuộc về nhà đấy. Mấy lần tôi cũng sang nhà hàng xóm hát nhờ, đúng là càng hát càng mê. Nhờ có karaoke mà trẻ con bớt đi ra ngoài chơi, bớt tệ nạn. Tuy nhiên, hát thế nào để không ảnh hưởng đến sinh hoạt của người khác là điều đáng bàn.
Tôi nghĩ nên có chế tài nào đấy quy định việc bật âm thanh thế nào, được phép gây ồn đến bao nhiêu giờ thôi chứ cứ hát kéo dài thâu đêm suốt sáng vừa ảnh hưởng đến người xung quanh mà ngay cả sức khoẻ của bản thân mình cũng chẳng giữ nổi thì karaoke cũng không nên phổ biến.
gfds
Bà Trần Thị Minh, 128C Đại La, Hà Nội: Ý kiến tổ dân phố rất quan trọng
Tôi làm ở nhà đài, nghe nhạc suốt ngày nên khi về chỉ muốn nghỉ ngơi. Ấy thế mà từ khi thanh niên dấy lên phong trào karaoke thì cả khu như một cái chợ. Sợ nhất là một gia đình ở tầng 4 có bộ loa cối, mỗi khi họ bật lên và hát thì sàn nhà tôi cũng rung lên bần bật. Những lúc đó tôi chỉ muốn trốn vào đâu cho đỡ ong đầu.
Tôi thường nói với các con, gia đình là nơi mỗi khi về là được thư giãn nhẹ nhàng, chuẩn bị sức khoẻ để làm việc cho ngày hôm sau. Ở nhà tôi quán triệt các cháu không được bật đài to, nói chuyện cũng nói nhỏ, đủ nghe, không làm ảnh hưởng đến nhà bên cạnh. Mình khó chịu khi người ta làm phiền thế nào thì người ta cũng khó chịu khi mình làm phiền thế nấy.
Mấy lần họp tổ dân phố tôi đã nêu ra hiện tượng hát karaoke rất to tại nhà gây ảnh hưởng đến các nhà khác, nói chung ai cũng ủng hộ ý kiến của tôi. Đúng là ta chưa có luật về hát karaoke tại gia nhưng tôi nghĩ, ý kiến của những người xung quanh và tổ dân phố rất quan trọng giúp đưa karaoke tại gia về đúng chừng mực.
Ông Ngô Văn Thảo, phó tổ trưởng tổ dân cư số 51 Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội: Phải có sự kết hợp giữa tổ dân phố và cảnh sát khu vực
Trong tình hình đất chật người đông, nhà cửa san sát, việc hát karaoke gây ồn ào sẽ rất ảnh hưởng đến những người xung quanh. Mọi người phải nhìn nhau mà sống. Phải có hành vi ứng xử văn hoá. Cứ bắt người khác phải chịu đựng những hành vi thiếu văn hoá của mình thì cực kỳ vô văn hoá.
Những khu dân cư văn hoá không nên để xảy ra tình trạng này. Tổ trưởng tổ phó các khu dân cư phải phối hợp với cảnh sát khu vực để ngăn chặn và xử lí kịp thời những tình huống trên sao cho có lí, có tình vì làm gì có luật nào cấm người ta hát karaoke ở nhà. Nếu chỉ vì hát hò mà mất tình xóm giềng thì thật đáng tiếc.
Việt Nga ghi (Theo báo Khoa học và đời sống)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|