(TDG) - Cần phải đặc biết để ý đến những tham vọng ngày càng lớn của Bắc Kinh.
Xin giới thiệu bài phân tích của Aleksandr Vasilievich Shlydov đăng trên tuần báo “Bình luận quân sự độc lập” (Nga) ngày 23/3/2018 về thực trạng sức mạnh Quân đội Trung Quốc (PLA), các tham vọng của Bắc Kinh và những biện pháp cần thiết của Nga.
Mấy dòng ngắn về tác giả Aleksandr Vasilievich Shlydov: Phó tiến sỹ khoa học lịch sử, Giáo sư Viện Hàn lâm khoa học quân sự, Đại tá, Trưởng phòng biên tập Tạp chí “Các vấn đề Viễn Đông” (Nga). Vì bài quá dài nên chúng tôi có lược đi một số ý.
Các ảnh và chú thích đều là của tác giả.
Không lâu nữa,Trung Quốc sẽ dẫn đầu thế giới về công nghiệp chế tạo tăng . Ảnh: Trang chính thức của BQP Trung Quốc.
Trong khuôn khổ hiện thực hóa Chương trình hiện đại hóa Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) giai đoạn đến năm 2035, giới lãnh đạo chính trị- quân sự nước này đã đạt được những kết quả rất ấn tượng. Liên bang Nga cần phải rút ra những kết luận gì? Chúng ta hãy cùng phân tích.
“TRĂM HOA ĐUA NỞ”
Trong 15 năm trở lại đây- tức khoảng thời gian mà tiến trình hiện đại hóa tổ chức quân sự Trung Quốc được tiến hành ráo riết nhất, - Trung Quốc đã đạt được những thành tựu đáng kinh ngạc:
Đã xây dựng được tổ hợp công nghiệp quốc phòng mạnh, đã tổ chức nghiên cứu và khai thác những công nghệ quân sự tiên tiến nhất đảm bảo thay đổi một cách căn bản diện mạo của PLA.
PLA đã từ một quân đội điển hình của Thế giới thứ ba trước đây trở thành một quân đội có những khả năng tác chiến ngang hàng với các cường quốc quân sự hàng đầu trên thế giới, còn nếu xét theo một số tiêu chí thậm chí còn giữ những vị trí dẫn đầu.
Bên cạnh đó còn một yếu tố nữa gây chú ý- đó là việc hiện đại hóa tổ chức quân sự của nước này được tiến hành đồng bộ, các bước đi đều được cân nhắc và tính toán kỹ lưỡng.
Trước khi tái trang bị các loại vũ khí và phương tiện kỹ thuật quân sự hiện đại nhất cho PLA, Trung Quốc đã xây dựng và phát triển các trường phái khoa học và thiết kế, lựa chọn và phân tích các thiết kế, công nghệ chế tạo và sản xuất vũ khí- trang bị kỹ thuật trên thế giới, trang bị cho các tổ hợp công nghiệp quốc phòng các loại máy móc, trang bị mới nhất.
Đồng thời, Trung Quốc cũng nghiên cứu học thuyết quân sự của các nước tiên tiến và áp dụng những ưu điểm của những học thuyết này trong xây dựng học thuyết quân sự riêng của mình, hoàn thiện hệ thống chỉ huy các lực lượng vũ trang và toàn bộ hệ thống tổ chức quân sự quốc gia.
Trong giai đoạn đầu (quá trình hiện đại hóa-ND), Bắc Kinh cắt giảm đáng kể Các lực lượng vũ trang, - những nguồn tài chính đáng kể tiết kiệm được nhờ sự cắt giảm này sử dụng để phát triển kinh tế, và chính sự phát triển kinh tế này đã có hiệu ứng lan tỏa trên tất cả các hướng quyết định sức mạnh đồng bộ của một quốc gia như chất lượng dân số, quy mô GDP, trình độ phát triển khoa học- kỹ thuật và giáo dục, sản xuất công nghiệp và nông nghiệp, ứng dụng trí thức và các công nghệ tiên tiến v.v.
Tất cả những thành tựu trên lại cho phép (Trung Quốc) mở rộng một cách có kế hoạch quy mô cải cách tổ chức quân sự, tăng chiều sâu cải cách, liên tục tăng cường ngân sách quân sự, tăng khối lượng cung cấp vũ khí- trang bị kỹ thuật mới cho Quân đội, nâng cao chất lượng quân đội.
Một chi tiết gây ấn tượng là việc thực hiện khẩu hiệu truyền thống Trung Quốc “ răm hoa đua nở”, trong thời gian đầu Trung Quốc chế tạo rất nhiều loại vũ khí- trang bị kỹ thuật nhưng chỉ sản xuất từng chủng loại với khối lượng hạn chế.
Sau khi được thử nghiệm tại các đơn vị, những mẫu tốt nhất được lựa chọn và chúng được sản xuất hàng loạt để đưa vào trang bị cho PLA.
Nếu tính về quy mô tiếp nhận đưa vào trang bị các mẫu vũ khí –trang bị kỹ thuật quân sự mới hoặc đã hiện đại hóa sâu thì PLA vượt trội bất kỳ một cường quốc quân sự tiên tiến nào, kể cả Mỹ và Nga.
Cần phải đặc biệt chú ý rằng việc cắt giảm tương đối đáng kể quân số của Lục quân PLA được thực hiện song song với hiện thực hóa chính sách tăng mạnh khả năng cơ động và khả năng tác chiến đồng thời vẫn xác định Lục quân là lực lượng có vai trò và ý nghĩa hàng đầu khi tiến hành các chiến dịch tại các chiến trường trên bộ.
PLA cũng đã thành lập lực lượng phản ứng nhanh với thành phần chủ yếu được tuyển chọn từ các đơn vị đổ bộ đường không, lính thủy đánh bộ, các đơn vị kỵ binh đường không của đặc nhiệm.
Giới lãnh đạo quân sự Trung Quốc đặc biệt quan tâm đến nhiệm vụ tăng cường tiềm lực tấn công của Lục quân. Nếu tính theo số lượng các xe tăng chủ lực và các xe chiến đấu bọc thép đang có trong trang bị của PLA thì Trung Quốc vượt bất kỳ nước nào trong khối NATO, kể cả Mỹ.
Xuất phát từ những khả năng của tổ hợp công nghiệp quốc phòng (THCNQP) Trung Quốc, thì ngay trong tương lai gần nhất thì Trung Quốc cũng sẽ vượt Nga nếu xét cũng theo tiêu chí trên.
Về khả năng cơ động, sức mạnh hỏa lực và khả năng tự bảo vệ, các xe tăng chủ yếu và xe chiến đấu bọc thép của Trung Quốc không thua kém các mẫu tương tự tốt nhất của nước ngoài. Nếu tính theo tiêu chí số lượng và chất lượng pháo nòng và pháo phản lực, không lâu nữa Trung Quốc sẽ đuổi kịp Nga.
Nhưng cũng cần phải thấy rằng các hệ thống pháo phản lực bắn dàn cỡ đạn lớn có trong trang bị của PLA có tầm bắn xa hơn các hệ thống này của Nga.
Bên cạnh đó, những mẫu pháo phản lực bắn dàn mới nhất của Trung Quốc được trang bị đạn pháo có điều khiển chính xác cao, và vì thế trên thực tế có thể xếp chúng vào lớp vũ khí chính xác cao.
(Còn nữa)
Lê Hùng- Nguyễn Hoàng (dịch)/ĐVO
< Lùi | Tiếp theo > |
---|