(Luật TD) - Đây là nội dung quan trọng nhất không thể không đề cập và lên án, trước khi luận tội về những vi phạm của Trung Quốc có liên quan đên nội dung và thủ tục...
LTS: Sau Phán quyết Trọng tài vụ kiện Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc hôm 12/7/2016, vẫn còn những băn khoăn xung quanh việc ứng dụng, giải thích UNCLOS 1982 từ dư luận, trong đó có bạn đọc của Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam.
Tiến sĩ Trần Công Trục gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài phân tích của ông về vấn đề này, xin trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc.
Sau nội dung trao đổi của tôi với Giáo sư Ngô Vĩnh Long về các cấu trúc lúc nổi lúc chìm ở Trường Sa dư luận vẫn có một số băn khoăn, thắc mắc từ góc độ pháp lý, nhân đây cũng xin được làm rõ.
Một bạn đọc tên là Tuấn đặt câu hỏi trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 6/8. Câu hỏi của bạn đọc đặt ra rằng:
"Liệu một thực thể nửa nổi nửa chìm (theo điều 13 của UNCLOS) nằm ở vùng biển quốc tế thì có được yêu sách chủ quyền không, tức là vào chiếm đóng, chiếm hữu, xây dựng công trình...để xác lập chủ quyền? Nếu có xin bác dẫn ra một vài án lệ." [1]. Ngoài ra cũng còn có những thắc mắc, băn khoăn tương tự.
Tiến sĩ Trần Công Trục. Ảnh: Hồng Thủy. |
Đây là những câu hỏi có liên quan đến quy chế của các thực thể địa lý lúc nổi lúc chìm hoặc hoàn toàn chìm dưới biển khi thủy triều thấp nhất. Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982) đã quy định về vai trò, vị trí và giá trị pháp lý của thực thể này.
Vai trò của các bãi cạn lúc nổi, lúc chìm
Tại Điều 13: “ Bãi cạn lúc nổi, lúc chìm” đã định nghĩa rằng:
1. “Bãi cạn lúc nổi lúc chìm” (haut-fonds découvrants) là những vùng đất nhô cao tự nhiên có biển bao quanh, khi thủy triều xuống thấp thì lộ ra, khi thủy triều lên cao thì bị ngập nước.
Khi toàn bộ hay một phần bãi cạn đó ở cách lục địa hoặc một đảo một khoảng cách không vượt quá chiều rộng của lãnh hải, thì ngấn nước triều thấp nhất ở trên các bãi cạn này có thể được dùng làm đường cơ sở để tính chiều rộng của lãnh hải.
2. Khi các bãi cạn lúc chìm lúc nổi hoàn toàn ở cách lục địa hoặc một đảo một khoảng cách vượt quá chiều rộng của lãnh hải, thì chúng không có lãnh hải riêng.
Tuy nhiên, khi vận dụng vai trò, vị trí của các thực thể này vào việc thiết lập hệ thống đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải, chúng ta không nên bỏ qua quy định tại Khoản 3, Khoản 4 và Khoản 5 của Điều 7: “Đường cơ sở thẳng”:
3. Tuyến các đường cơ sở không được đi chệch quá xa hướng chung của bờ biển, và các vùng biển ở bên trong các đường cơ sở này phải gắn với đất liền đủ đến mức đạt được chế độ nội thủy.
4. Các đường cơ sở thẳng không được kéo đến hoặc xuất phát từ các bãi cạn lúc nổi lúc chìm, trừ trường hợp ở đó có những đèn biển hoặc các thiết bị tương tự thường xuyên nhô trên mặt nước hoặc việc vạch các đường cơ sở thẳng đó đã được sự thừa nhận chung của quốc tế.
5. Trong những trường hợp mà phương pháp kẻ đường cơ sở thẳng được áp dụng theo Khoản 1, khi ấn định một số đoạn đường cơ sở có thể tính đến những lợi ích kinh tế riêng biệt của khu vực đó mà thực tế và tầm quan trọng của nó đã được một quá trình sử dụng lâu dài chứng minh rõ ràng.
Căn cứ vào các quy định nói trên, có thể rút ra những kết luận chủ chốt sau đây:
Một là: Các bãi cạn lúc nổi, lúc chìm, nếu nằm cách bờ biển đất liền hay bờ biển của một đảo, một khoảng cách không vượt quá chiều rộng lãnh hải thì chúng được dùng làm điểm cơ sở để thiết lập hệ thống đường cơ sở thẳng, với điều kiện ở trên đó có xây các ngọn hải đăng hay các thiết bị tương tự thường xuyên nhô trên mặt nước (Khoản 4, Điều 7).
Hai là: Nếu các thực thể này nằm ngoài ranh giới lãnh hải đất liền hoặc của một đảo thì chúng không có lãnh hải riêng, có nghĩa là chúng không được hưởng quy chế đảo theo định nghĩa tại Điều 121, UNCLOS 1982.
Và như vậy thì chúng được coi là một bộ phận cấu thành của vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của quốc gia ven biển hay của một đảo.
Nếu những thực thể này nằm ở trong vùng biển cả (high sea) hay nằm trên đáy và lòng đất dưới đáy biển bên ngoài giới hạn thềm lục địa của quốc gia ven biển hay của một đảo, nghĩa là nó ở trên một phạm vi được gọi là “Vùng” (The Area quy định tại Phần XI, UNCLOS 1982), thì các bãi cạn lúc nổi lúc chìm này là tài sản chung của nhân loại. [2]
Mọi hoạt động có liên quan đến các thực thể này cũng phải tuân thủ các quy định chặt chẽ của UNCLOS 1982 và thuộc quyền hạn của Cơ quan quyền lực (Autority) quốc tế do Liên Hợp Quốc lập ra. Như vậy, không có ai được quyền chiếm hữu, biến chúng thành lãnh thổ của riêng mình.
Ba là: Nếu các thực thể này nằm trên thềm lục địa của quốc gia ven biển thì các quốc gia này có quyền xây dựng các đảo nhân tạo hay các công trình nhân tạo phục vụ cho công viêc thăm dò, khai thác tài nguyên thiên nhiên thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia đó.
Bởi vì, đảo nhân tạo, các công trình thiết bị được xây dựng trên biển là một nhu cầu tất yếu của tất cả mọi quốc gia khi triển khai các hoạt đông thăm dò nghiên cứu, khai thác tài nguyên biển trong phạm vi các vùng biển và thềm lục địa của mình được xác định theo đúng quy định của UNCLOS 1982.
Bởi lẽ, các đảo nhân tạo, các công trình, thiết bị nhân taọ được xây dựng hợp pháp trên biển, thềm lục địa sẽ mang lại nhiều lợi ích cho quốc gia ven biển, nhất là lợi ích về kinh tế trong việc khai thác tài nguyên sinh vật và phi sinh vật biển, hoạt động nghiên cứu khoa học và bảo vệ môi trường biển, phục vụ và bảo đảm an ninh an toàn hang hải, hàng không, thương mại, tìm kiếm cứu hộ, phòng chống tội phạm, cướp biển…
Thực tiễn quốc tế về xây dựng đảo nhân tạo, công trình nhân tạo trên các bãi cạn lúc nổi lúc chìm
Thực tiễn quốc tế đã có khá nhiều đảo nhân tạo, công trình thiết bị được xây dựng vì các mục tiêu nói trên:
Balance islands là những đảo nhân tạo được xây dựng ven bờ biển Hà Lan nhằm mục đích chống xói mòn và cân bằng dòng chảy của thủy triều.
Đảo nhân tạo Hulhumale do Cộng hòa Maldives xây dựng tại Ấn Độ Dương với hy vọng trong 15 năm tới sẽ đón khoảng 45.000 dân đến cư trú để tránh tình trạng trái đất nóng lên.
Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất năm 2001 đã xây dựng 2 đảo nhân tạo lơn nhất thế giới: Palm Jumeriah và Palm Jebel Ali tại bờ biển thành phố Dubai, nhằm phục vụ khách du lịch với nhiều khách sạn, biệt thự sang trọng và tiện nghi….được mệnh danh là “kỳ quan thứ 8 của thế giới”.
Azerbaịjan đã xây dựng quần thể đảo nhân tạo Khaza islands gồm 41 đảo nhỏ, diện tích 3000 ha tại vùng biển Caspian.
Tuy nhiên, Trung Quốc đã xây đảo nhân tạo trên các thực thể địa lý của quần đảo Trường Sa, thuộc lãnh thổ của Việt Nam. Hành động này của Trung Quốc được xem là sự “vi phạm liên hoàn”: Đánh chiếm lãnh thổ của Việt Nam bằng vũ lực năm 1988, 1995 , rồi tiếp tục bồi lấp xây dựng trái phép trên vùng lãnh thổ đó.
Hành động này đã vi pham quy định của Hiến chương Liên Hợp Quốc và các nguyên tắc cơ bản trong quan hệ giữa các quốc gia, với tư cách là những thực thể trong quan hệ quốc tế.
Đây là nội dung quan trọng nhất không thể không đề cập và lên án, trước khi luận tội về những vi phạm của Trung Quốc có liên quan đên nội dung và thủ tục tiến hành xây dựng đảo nhân tạo theo quy định của Công ước của Liện Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.
Tài liệu tham khảo:
[2]http://www.un.org/depts/los/convention_agreements/texts/unclos/part11-1.htm
< Lùi | Tiếp theo > |
---|