(VP luật sư Triệu Dũng)_ Liên tiếp trong vòng chưa đầy một tháng, Chu Phương – biên tập viên đối ngoại của Tân Hoa xã, người nổi tiếng có quan điểm thẳng thắn nhất trong làng báo Trung Quốc, đã hai lần lên tiếng phản đối chính sách sử dụng vũ lực ở Biển đông, đồng thời cực lực yêu cầu xoá bỏ cái gọi là “thành phố Tam Sa” mà chính quyền Bắc Kinh đang thực hiện.
Những bài viết đứng về sự thật
Ngày 29/6, trên blog sina, Chu Phương lần đầu đăng tải bài viết “Thiết lập “thành phố Tam Sa” là trò cười quốc tế, mạnh mẽ yêu cầu huỷ bỏ ngay!”.
Quần đảo Trường Sa – một bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam
cũngbị Trung Quốc đưa vào cái gọi là quy hoạch “thành phố Tam Sa”
Trong bài viết, vị thạc sỹ báo chí nhấn mạnh: “Ý nghĩa lớn nhất của việc lập ra thành phố Tam Sa là chường cho bàn dân thiên hạ thấy nỗi nhục của Trung Quốc; đồng thời cũng sẽ buộc chính phủ và quân đội Trung Quốc phải giở bài ngửa với các quốc gia xung quanh và quốc tế... Chúng ta từ nhỏ đã được nhìn thấy tấm bản đồ Nam Hải (Biển Đông). Một đường biên giới đứt đoạn rất thô màu hồng đưa toàn bộ Nam Hải vào trong bản đồ Trung Quốc. Cho đến ngày nay chúng ta mới biết sự thực không phải như vậy. Cái đường biên giới quốc gia ấy không những các nước láng giềng và cả quốc tế không công nhận, mà ngay chính phủ và các học giả nước ta (Trung Quốc) cũng không giải thích rõ được”.
Bài viết gây xôn xao trong cộng đồng, được hàng chục diễn đàn mạng Trung Quốc lấy lại còn chưa kịp lắng xuống, thì đến ngày 17/7, Chu Phương tiếp tục đăng tải một bài viết khác, đầy tâm huyết mang tên “Hiện trạng Nam Hải (Biển Đông) có lẽ sẽ kéo lùi cải cách chính trị của Trung Quốc” trên trang blog cá nhân của mình.
Trong bài viết dài hàng ngàn chữ, Chu Phương chỉ rõ việc thiết lập “thành phố Tam Sa” của chính quyền Bắc Kinh là “một trò cười quốc tế điển hình” và “Chính phủ Trung Quốc cần sớm nhận sõ sai lầm to lớn của mình, sớm có hành động sửa chữa sai sót”. Chu Phương cũng nhấn mạnh ông kêu gọi: “Hãy lập tức hủy bỏ thành phố Tam Sa”, triển khai sớm nhất có thể được việc đối thoại mang tính xây dựng với các nước xung quanh Nam Hải (Biển Đông), dốc sức cho việc làm dịu tình hình căng thẳng ở Nam Hải, loại bỏ nguy cơ chiến tranh, đưa Trung Quốc quay trở lại với đại gia đình quốc tế”.
Biên tập viên Chu Phương (Nguồn: Zhoufang.blshe.com)
Đấu tranh cho lẽ phải
Hai bài viết gây chấn động dư luận trong nước của Chu Phương đã biến ông trở thành tâm điểm chú ý. Nhưng với đông đảo người dân Trung Quốc và cả cộng động quốc tế, cái tên Chu Phương thực tế đã trở nên nổi tiếng đặc biệt, sau loạt bài dũng cảm tố cáo Bạc Hy Lai và “mô hình Trùng Khánh” ngay từ lúc vị quan tham này còn “ngự” trên đỉnh cao, Từ sự kiện đó, biên tập viên Tân Hoa xã này đã nổi tiếng trong cộng đồng Trung Quốc như là một trí thức luôn có quan điểm ngay thẳng, sẵn sàng đấu tranh bảo vệ lẽ phải.
Cũng vì thế, nên bất chấp việc trở thành trung tâm hứng chịu những luồng ý kiến chỉ trích từ một số cá nhân thiếu hiểu biết, Chu Phương vẫn vững vàng bảo vệ quan điểm đấu tranh đúng đắn của mình và từ gỡ các bài viết đăng tải trên blog cá nhân và blog sina. Tinh thần dũng cảm của ông, cũng đã được ủng hộ bởi một người ghi danh là Giới Hàng Hải trên blog cá nhân Chu Phương, khẳng định: “Tôi nhiệt thành ủng hộ ý kiến của ông”.
Trong bối cảnh chính quyền Bắc Kinh tiếp tục duy trì và đẩy mạnh chính sách làm leo thang căng thẳng, làm phức tạp tình hình ở Biển đông, vi phạm nghiêm trọng Công ước quốc tế về luật biển 1982 (UNCLOS), thì những tiếng nói dũng cảm, đúng đắn như của Chu Phương hy vọng sẽ góp phần làm thức tỉnh dư luận Trung Quốc, những người cũng yêu mến hoà bình và mong muốn “dốc sức cho việc làm dịu tình hình căng thẳng ở Nam Hải, loại bỏ nguy cơ chiến tranh, đưa Trung Quốc quay trở lại với đại gia đình quốc tế”.
Chu Phương khẳng định: “Việc thiết lập thành phố Tam Sa là bước đi sai lầm nhất và không sáng suốt nhất của Trung Quốc trong việc giải quyết vấn đề Nam Hải (Biển Đông), khiến cả quốc tế chê cười những nhà quyết sách Trung Quốc thiếu kiến thức về luật quốc tế muốn thông qua việc thiết lập thành phố, ngang nhiên đưa công hải (vùng biển quốc tế) vào lãnh hải của nước mình… Hành động này không chỉ đi ngược lại luật pháp và tập quán quốc tế, mà cũng trái với những quy định pháp luật của chính Trung Quốc về việc thành lập thành phố, càng đi ngược lại quốc sách và chiến lược phát triển hòa bình phù hợp mà Trung Quốc cần có”.
Mạnh Cường (Theo sina blog/Zhoufang.blshe)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|