(TDGlaw) - Trưởng ban tiếp công dân TP Hà Nội khẳng định, với mục đích vì cái chung, các cán bộ tiếp dân không ngại việc công dân ghi âm, ghi hình.
Theo nội quy tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân thành phố vừa được Chủ tịch UBND TP Hà Nội ban hành, công dân khi đến trụ sở tiếp công dân thành phố làm việc không quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân.
Trao đổi với Đất Việt ngày 8/1, ông Phạm Chí Công, Trưởng ban Tiếp công dân TP Hà Nội khẳng định, nội quy trên không cấm người dân quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi đến làm việc tại trụ sở tiếp công dân thành phố mà việc này phải có sự đồng ý của cán bộ tiếp dân.
Đây là thẩm quyền của người tiếp công dân, bất luận ở đâu, kể cả cá nhân. Điều này tạo ra hành lang tốt, đảm bảo trật tự khi người dân đến đưa đơn khiếu nại, tố cáo tại trụ sở tiếp công dân thành phố. "Nội quy này là để đảm bảo sự tôn nghiêm của cơ quan công quyền, để các thành viên của ban làm việc cho tốt.
Bản thân chúng tôi là cán bộ tiếp dân không ngại việc ghi âm, chụp ảnh, quay phim nếu đó là việc cần thiết. Đã vì cái chung thì cứ đàng hoàng, công khai mà tiếp.
Đa phần bà con đến trụ sở tiếp dân là để khiếu nại, tố cáo nhưng có một số người không nắm được, cứ xúi giục, kích động, quay phim, chụp ảnh, ghi âm rồi cắt xén, đưa lên Facebook với nội dung sai lệch. Họ nhằm mục đích khác và không vì dân", ông Phạm Chí Công cho biết.
Trụ sở tiếp dân của UBND TP Hà Nội. Ảnh: VnExpress |
Cũng theo Trưởng ban Tiếp công dân TP Hà Nội, mỗi năm ban tiếp nhận và xử lý khoảng 18.000 đơn thư, khối lượng công việc rất lớn nhưng không để sót hay thất thoát gì dù nhân sự của ban chỉ mười mấy người.
Trong khi đó, bày tỏ quan điểm về vấn đề này, ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khóa XIII cho biết, việc cấm quay phim, chụp ảnh chỉ quy định ở khu vực an ninh quốc gia, an ninh quốc phòng.
Trong không khí dân chủ, họp Quốc hội, đại hội Trung ương, họp HĐND... vẫn quay phim, chụp ảnh bình thường, trừ những phiên họp kín có liên quan đến những vấn đề quy định phải cơ mật.
Tương tự, các cuộc tiếp xúc cử tri của lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng được quay phim, chụp ảnh, ghi âm.
Trong năm 2018, lãnh đạo TP.HCM đã có các cuộc gặp gỡ bà con Thủ Thiêm và các cuộc gặp này được quay phim, chụp ảnh, ghi hình. Phát biểu của Chủ tịch UBND TP.HCM đã được đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng rộng rãi, được nhiều người dân hoan nghênh.
"Việc ghi âm, ghi hình cũng là một hình thức để người dân giám sát việc thực hiện lời hứa của cơ quan quyền lực nhà nước. Hiến pháp cũng đã quy định nhân dân tham gia giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước, dưới hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp, để xây dựng chính quyền nhân dân.
Tiếp dân không cần có quy định ngăn cấm ngặt nghèo. Nếu cán bộ tiếp dân làm đúng thì không có gì phải ngại.
Trong hai nhiệm kỳ làm ĐBQH, khi tôi tiếp công dân một số địa phương, người dân thoải mái ghi âm, chụp ảnh, quay phim.
Tôi cho rằng không nên ngại việc người dân quay phim, chụp ảnh, ghi âm, vấn đề là phải làm đúng các quy định tiếp dân, công khai minh bạch việc tiếp dân, càng công khai người dân càng biết nhiều thì càng tốt. Đó là dịp để người dân thông qua việc tiếp dân hiểu được quy định của nhà nước, hiểu biết pháp luật. Cán bộ tiếp dân cũng trưởng thành lên thông qua ý kiến dù gay gắt nhưng chân thật của người dân", ông Lê Như Tiến nhận xét.
Ngày 8/1, trả lời báo chí về quy định "không quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân" trong nội quy của trụ sở tiếp công dân thành phố, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, quy định trên là "để chống một số người đi theo công dân đến buổi tiếp, bí mật ghi âm, ghi hình về cắt xén đưa lên mạng với mục đích khác". Lãnh đạo Hà Nội thông tin thêm, tất cả các phòng tiếp công dân của Hà Nội và Trung ương trên địa bàn đều được trang bị camera, có ghi âm, ghi hình, nếu người dân yêu cầu trích xuất camera thì cán bộ có thẩm quyền sẽ thực hiện việc này, lập biển bản và bàn giao cho công dân. Ngoài ra, trường hợp người dân có nhu cầu trực tiếp ghi âm, ghi hình thì trao đổi với cán bộ tiếp công dân để hai bên cùng kiểm tra nội dung sau đó, rồi xác nhận bằng biên bản để làm tài liệu sử dụng trên cơ sở minh bạch. "Tất cả việc ghi âm, ghi hình đều phải được thực hiện công khai", Chủ tịch Hà Nội nhấn mạnh. |
Thành Luân (Theo ĐVO)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|