Một người đi chợ bị té xỉu giữa chợ, một số người hiếu kỳ đã vây quanh để xem mà không ra tay giúp sức. Có những người ăn mày nằm chết lạnh bên lề đường mà chẳng ai hay. Những cảnh tượng đó vẫn diễn ra trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Cũng có khi gặp người bị tai nạn nhiều người cùng lao vào cứu giúp nhưng cũng có khi bị ngoảnh mặt làm ngơ vì sợ “phải vạ”. Vậy nên xây dựng văn hoá ứng xử đối với người gặp tai nạn như thế nào?
Hiện nay, tai nạn giao thông đang có xu hướng được kiềm chế. Điều đó thể hiện ý thức của người dân đã được nâng cao. Nhưng thái độ bàng quan của người tham gia giao thông khi thấy người gặp tai nạn lại cho thấy ý thức được nâng cao nhưng không đồng đều. Hơn thế nữa, tâm lí đám đông vẫn còn. Có thể lí giải điều này là do bản tính của người Việt Nam là hiếu kỳ, tò mò, thấy người khác làm gì cũng là theo, không lường trước được những hành vi vô thức của mình sẽ gây những hậu quả nghiêm trọng. Xảy ra một vụ tai nạn giao thông, người ta cứ bu lại xem vòng trong vòng ngoài, đến cảnh sát giao thông còn phải chen thục mạng mới vào được hiện trường. Đường sá tắc nghẽn nhiều giờ đồng hồ và cảnh sát giao thông phải điều động thêm người đến để giải quyết rất gây lãng phí về thời gian, công sức con người chỉ vì tâm lý đám đông. Chưa kể cò những trường hợp vừa lái xe vừa “hóng hớt” xem bên đường xảy ra chuyện gì và lại gây thêm một vụ tai nạn nữa ngay tại chỗ đó. Phải thanh trừng tâm lý đám đông này bằng cách tích cực tuyên truyền và giáo dục.
Điều 36 Luật Giao thông đường bộ quy định: Những người lái xe và những người liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn phải có trách nhiệm dừng ngay xe lại, cấp cứu người bị nạn và ở lại nơi xảy ra tai nạn cho tới khi người của cơ quan công an đến trừ trường hợp người lái xe bị thương phải đưa đi cấp cứu hoặc vì lý do bị đe doạ đến tính mạng. Những người có mặt tại nơi xảy ra tai nạn phải có trách nhiệm bảo vệ hiện trường, giúp đỡ, cứu chữa kịp thời người bị nạn; Báo tin cho cơ quan công an hoặc uỷ ban nơi gần nhất; Bảo về tài sản của người bị nạn. Phường Nghĩa Tân khi có người lang thang cơ nhỡ chết vô thừa nhận đã tự đứng ra lo chôn cất tử tế cho họ. Nghĩa tử là nghĩa tận, người ta gặp nạn trên địa bàn nào thì chính quyền địa bàn đó phải đứng ra lo đầu tiên, mà không phải chỉ làm cho xong chuyện mà nhất thiết phải làm thật chu đáo, cẩn thận, tích cực. Gặp những trường hợp tai nạn như thế, chúng tôi phải trích ngân sách phường và phải huy động anh em trong cơ quan cùng nhau đóng góp để lo cho người ta. Chúng tôi cũng xây dựng tốt hệ thống dân phòng, bảo vệ dân phố dưới cơ sở để khi xảy ra tai nạn, họ là người giúp lực lượng công an bảo vệ hiện trường, thông báo đến các cơ quan chức năng khi xảy ra sự việc, chứ chờ dân báo tin thì….lâu lắm. Dân mình chưa có thói quen báo tin cho chính quyền mà thấy tai nạn việc đầu tiên là xúm đông xúm đỏ vào, không cho họ vào thì họ lí sự là tôi phải vào ngó xem có phải người nhà tôi bị nạn hay không. Thực ra thì không phải thế, họ chỉ thoả mãn chí tò mò và đôi khi là để tranh thủ trộm cắp, hôi của của người bị nạn mà thôi.
|
< Lùi | Tiếp theo > |
---|