(24h) - “Luật pháp không cho phép sự phân biệt đối xử, do vậy, các doanh nghiệp phân biệt lao động vùng miền là hành động trái pháp luật”, Đại biểu QH Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội cho biết.
Không thể chấp nhận
Gần đây, báo chí đưa tin, nhiều công ty trong các khu công nghiệp vùng giáp ranh tỉnh Bình Dương, TP.HCM từ chối hồ sơ xin việc của lao động đến từ vùng Thanh - Nghệ – Tĩnh. Không những vậy, nhiều công ty còn âm thầm đuổi việc nhân công vùng này.
Đại biểu QH Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội cho rằng, nếu chỉ vì vùng miền khác nhau mà có sự kỳ thị với lao động Thanh Hóa, Nghệ An là điều không thể chấp nhận được.
Luật pháp Việt Nam không cho phép sự phân biệt đối xử, mọi lao động đều được đối xử bình đẳng trước quy định tuyển dụng, làm việc… Do vậy, các doanh nghiệp phân biệt lao động vùng miền là hành động trái pháp luật.
Luật sư Triệu Dũng, trưởng văn phòng Luật sư Triệu Dũng và Cộng sự (Hà Nội) dẫn quy định tại bộ luật Lao động năm 2012: Người lao động có các quyền làm việc, tự do lựa chọn việc làm, nghề nghiệp, học nghề, nâng cao trình độ nghề nghiệp và không bị phân biệt đối xử; (điểm a khoản 1 điều 5);
Quyền làm việc của người lao động là được làm việc cho bất kỳ người sử dụng lao động nào và ở bất kỳ nơi nào mà pháp luật không cấm (khoản 1 điều 10).
Từ đó, LS Triệu Dũng khẳng định, hành vi không nhận lao động quê Thanh-Nghệ – Tĩnh của một số doanh nghiệp là sự kỳ thị, phân biệt đối xử khó có thể tha thứ và không thể chấp nhận trong xã hội của chúng ta.
Thanh tra Sở Lao động cần vào cuộc
Trước câu hỏi nên có một văn bản quy định hoặc cấm phân biệt lao động không? Đại biểu QH Đinh Xuân Thảo cho rằng, luật đã quy định nên có hiệu lực thống nhất trong cả nước, chỉ cần thực hiện đúng theo luật, không cầm thêm văn bản nào nữa.
Do vậy, trách nhiệm thuộc về thanh tra sở Lao động- Thương binh và Xã hội địa phương. Khi có phản ánh của công nhân tại địa phương nào, thanh tra tại ở tỉnh đó cần vào cuộc, kiểm tra các doanh nghiệp và buộc khắc phục vi phạm pháp luật lao động đã nêu.
Cũng theo ông Thảo, nếu có sự tẩy chay lao động Thanh-Nghệ-Tĩnh, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Văn Phòng Chính phủ cũng cần phát huy vai trò trách nhiệm để bảo vệ quyền của người dân.
Theo luật sư Triệu Dũng, hành vi phân biệt lao động vùng miền phải được xử lý nghiêm khắc, nhưng đáng tiếc hiện nay chế tài xử lý chưa có.
Để ngăn chặn xu hướng phân biệt vùng miền, luật sư Triệu Dũng đề xuất: "Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các cơ quan quản lý lao động khác nên kiến nghị Chính phủ bổ sung chế tài xử lý các hành vi vi hiến, vi phạm pháp luật về lao động, chính sách về lao động của Nhà nước. Tránh tình trạng ở các tỉnh này, người lao động nước ngoài bất hợp pháp thì tràn lan không xử lý hết, người lao động trên lãnh thổ Việt Nam thì thất nghiệp.".
Dương Tùng
< Lùi | Tiếp theo > |
---|