07.12.2010 19:33
Thăng Long-Hà Nội, những ngày mùa thu trong Đại lễ, linh thiêng như 1.000 năm dồn lại. Mỗi người dân đất Việt lại nhớ về những mùa thu ghi dấu ấn trong dặm dài lịch sử hào hùng của dân tộc. Đối với mỗi môn sinh Vovinam-Việt Võ Đạo, còn nhớ riêng về một mùa thu hơn 70 năm trước, mùa thu mà từ đó Vovinam-Việt Võ Đạo lớn nhanh như Thánh Gióng, lan tỏa khắp năm châu bốn bể, trở thành môn võ đại diện cho dân tộc Việt trên đấu trường quốc tế. Và biết ơn một mùa thu 90 năm trước, khi một người con Hà Nội chào đời bên bờ hồ Trúc Bạch.
Trọn 70 năm cống hiến cho cuộc trường chinh xây dựng và phát triển Vovinam-Việt Võ Đạo, Chưởng môn Lê Sáng - người con Hà Nội ấy đã bôn ba khắp các miền đất nước, đã chấp nhận xa quê hàng thập kỷ ròng rã, để rồi dừng chân ở căn gác nhỏ đã trở thành thân thương với biết bao môn đồ Vovinam-Việt Võ Đạo, mỉm cười nhìn võ Việt và cuộc Cách mạng Tâm Thân lan tỏa khắp các phương trời. Vovinam-Việt Võ Đạo Hà Nội và các tỉnh phía Bắc ít được gặp Thầy, nên mỗi lần gặp là một lần bịn rịn, là một lần được nghe giọng nói ấm áp và dù trải qua bao năm tháng, vẫn những thanh âm đậm chất Hà thành quen thuộc.
Có những hôm Thầy mệt, nhưng nhắc tới những tháng ngày thủa ấy, giọng Thầy lại sang sảng. Thầy nói, những ngày đầu gian khó, quần áo và trang bị thiếu thốn, nhưng anh em tập hăng say lắm, hào khí thanh niên Việt Nam thời loạn cao ngút trời. Còn bây giờ, mọi thứ đầy đủ nhưng thanh niên tinh thần không cao, người huấn luyện viên phải biết cách động viên, hun đúc tinh thần ấy cho võ sinh. Thầy kể rành mạch như mới xảy ra hôm qua, những dặm đường dọc ngang trên đất Bắc, từ sân xi-măng Trường Sư phạm Hà Nội, đến những triền cỏ Thạch Thất, những ngày hòa vào cuộc cách mạng hào hùng của dân tộc. Những lúc ấy, nhìn Thầy vui lắm, như đang sống lại tuổi thanh niên sôi nổi. Nhưng lúc chia tay, để ý mới thấy mắt Thầy ánh lên một nỗi nhớ xa xăm. Phải rồi, người càng lớn tuổi, lòng càng quy cố hương. Hẳn Thầy đang nhớ, “Tiếng chuông Trấn Võ, canh gà Thọ Xương - Mịt mù khói tỏa ngàn sương, Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ”. Dẫu biết Chưởng môn Lê Sáng là thầy chung của mọi môn đồ, ở đâu cũng là quê Thầy, nhưng nỗi lòng của một người con Thăng Long xa quê hơn nửa thế kỷ, ôi sao đau đáu!
Hà Nội-2010, năm của Đại lễ ngàn năm, Vovinam-Việt Võ Đạo đất Thăng Long dồn sức, dồn tâm huyết cho các hoạt động mừng Thủ đô ngàn năm văn hiến-võ hiến, mừng cái nôi của Vovinam-Việt Võ Đạo. Bận rộn vì sự trưởng thành, vì uy tín của môn phái, chúng con không thể vào thăm Thầy khi biết tin Thầy ốm. Buồn nhưng càng cố gắng vì hiểu rằng không gì làm Thầy vui, Thầy khỏe hơn những tin tức về thành công của Vovinam-Việt Võ Đạo.
Cố gắng tột cùng cho một ngày 10-10-2010 với 1000 Việt Võ Đạo sinh đại diện cho nền võ thuật dân tộc, đại diện cho tinh thần thượng võ uy dũng nhưng rất mực hiếu hòa, biểu diễn đòn thế Vovinam trong một trường đoạn tượng trưng cho cả ngàn năm bất khuất của dân tộc Việt Nam. Nhưng không kịp rồi Thầy ơi, không kịp để Thầy xem giây phút ấy, để Thầy vui vì bước phát triển mới của Vovinam-Việt Võ Đạo Thăng Long-Hà Nội, vui vì sự cất cánh hôm nay từ những ngày thu Hà Nội gian khó 71 năm trước. Chúng con tự hào đã luôn tận lực vì lòng mong mỏi của Thầy, nhưng đau buốt tự tâm can vì không kịp kính dâng Thầy món quà đầy ý nghĩa đó, và càng đau xót vì tâm nguyện một ngày nào được rước Thầy ra thăm chốn cũ đã mãi mãi không thể thành hiện thực. Nhìn di ảnh Thầy, nước mắt tưởng chừng đã kiệt, lại rơi vì nhớ ánh mắt Thầy, vọng về câu thơ da diết như nỗi lòng Thầy:
“Ai về Bắc ta theo với
Thăm lại non sông giống Lạc Hồng
Từ độ mang gươm đi mở cõi
Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”
(“Nhớ Bắc” - Huỳnh Văn Nghệ)
Hà Nội, những ngày thu 2010
VS_Lê Hải Bình(Vovinam - Việt Võ Đạo Thăng Long-Hà Nội)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|