KINH THƯƠNG YÊU
Những ai muốn đạt tới an lạc thường nên học hạnh thẳng thắn, khiêm cung, biết sử dụng ngôn ngữ từ ái, những kẻ ấy biết sống đơn giản mà hạnh phúc, nếp sống từ hòa, điềm đạm, ít ham muốn và không đua đòi theo đám đông.
Những kẻ ấy sẽ không làm bất cứ điều gì mà các bậc thức giả có thể chê cười.
Và đây là điều họ luôn luôn tâm niệm:
- Nguyện cho mọi người và mọi loài được sống trong an toàn và hạnh phúc, tâm tư hiền hậu và thảnh thơi.
- Nguyện cho tất cả mọi loài sinh vật trên trái đất đều được sống an lành, những loài yếu, những loài mạnh, những loài cao, những loài thấp, những loài lớn, những loài nhỏ, những loài ta có thể nhìn thấy, những loài ta không thể nhìn thấy, những loài ở gần, những loài ở xa, những loài đã sinh và những loài sắp sinh.
- Nguyện cho đừng loài nào sát hại loài nào, đừng ai coi nhẹ tính mạng của ai, đừng ai vì giận hờn hoặc ác tâm mà mong cho ai bị đau khổ và khốn đốn.
Như một bà mẹ đang đem thân mạng mình che chở cho đứa con duy nhất, chúng ta hãy đem lòng từ bi mà đối xử với tất cả mọi loài.
Ta hãy đem lòng từ bi không giới hạn của ta mà bao trùm cả thế gian và muôn loài, từ trên xuống dưới, từ trái sang phải, lòng từ bi không bị bất cứ một cái gì làm ngăn cách, tâm ta không còn vương vấn một chút hờn oán hoặc căm thù. Bất cứ lúc nào, khi đi, khi đứng, khi ngồi, khi nằm, miễn là còn thức, ta nguyện duy trì trong ta chánh niệm từ bi. Nếp sống từ bi là nếp sống cao đẹp nhất.
Không lạc vào tà kiến, loại dần ham muốn, sống nếp sống lành mạnh và đạt thành trí giác, hành giả sẽ chắc chắn vượt khỏi sanh tử.
( Metta sutta, sutta Nipata I )
KINH TÁM ĐIỀU GIÁC NGỘ CỦA CÁC BẬC ĐẠI NHÂN
Là đệ tử Phật thì nên hết lòng, ngày cũng như đêm, đọc tụng và quán niệm về tám điều mà các bậc đại nhân đã giác ngộ.
- Điều thứ nhất là giác ngộ rằng, cuộc đời là vô thường, chế độ chính trị nào cũng sẽ sụp đổ, những cấu tạo của bốn đại đều trống rỗng và có tác dụng gây đau khổ, con người do tập hợp của năm ấm mà có, lại không có thực ngã, sinh diệt thay đổi không ngừng, hư ngụy và không có chủ quyền. Trong khi đó thì tâm ta lại là một nguồn suối phát sinh điều ác và thân ta thì là một nơi tích tụ của tội lỗi. Quán chiếu như trên thì dần dần thoát được cõi sinh tử.
Điều thứ hai là giác ngộ rằng càng lắm ham muốn thì lại càng nhiều khổ đau, rằng bao nhiêu cực nhọc trong cõi sinh tử đều do ham muốn mà có. Trong khi đó người ít ham muốn thì không bị hoàn cảnh sai sử, lại cảm thấy thân mình và tâm mình được thư thái.
Điều thứ ba là giác ngộ rằng vì tâm ta rong ruỗi chạy theo danh lợi không bao giờ biết chán cho nên tội lỗi ta cũng theo đó mà càng ngày càng lớn. Các bậc Bồ-tát thì khác hẳn: Họ luôn luôn nhớ nghĩ đến phép tri túc, an vui sống với đời đạm bạc để hành đạo và xem sự nghiệp duy nhất của mình là sự thực hiện trí tuệ giác ngộ.
Điều thứ tư là giác ngộ rằng thói quen lười biếng đưa đến chỗ đọa lạc; vì vậy con người phải chuyên cần hành đạo, phá giặc phiền não, hàng phục bốn loài ma và ra khỏi ngục tù của năm ấm và ba giới.
Điều thứ năm là giác ngộ rằng chính vì vô minh nên mới bị giam hãm trong cõi sinh tử. Các vị Bồ-tát thường xuyên nhớ rằng phải học rộng, biết nhiều, phát triển trí tuệ, đạt được biện tài để giáo hóa cho mọi người, để cho tất cả đạt tới niềm vui lớn.
Điều thứ sáu là giác ngộ rằng vì nghèo khổ cho nên người ta sinh ra nhiều oán hận và căm thù, và vì thế lại tạo thêm những nhân xấu. Các vị Bồ-tát biết thế cho nên chuyên tu phép bố thí, coi kẻ ghét người thương như nhau, bỏ qua những điều ác mà người khác đã làm đối với mình mà không đem tâm ghét bỏ những ai đã làm ác.
Điều thứ bảy là giác ngộ rằng năm thứ dục vọng gây nên tội lỗi và hoạn nạn. Người xuất gia tuy sống trong thế tục nhưng không nhiễm theo cái vui của phàm tục, thường quán niệm rằng tài sản của mình chỉ là ba chiếc áo ca sa và một chiếc bình bát, tất cả đều là pháp khí, rằng chí nguyện xuất gia của mình là sống thanh bạch để hành đạo, giữ phạm hạnh cho thanh cao và đem lòng từ bi để tiếp xử với mọi người.
Điều thứ tám là giác ngộ rằng vì lữa sinh tử cháy bừng cho nên mọi loài đang chịu biết bao niềm thống khổ. Biết vậy cho nên ta phải phát tâm Duệ phấn, Đại Thừa, nguyện cứu tế cho tất cả mọi người, nguyện thay thế cho mọi người mà chịu khổ đau vô lượng, khiến cho tất cả chúng sanh đều đạt đến niềm vui cứu cánh.
Tám điều nói trên là những điều giác ngộ của các bậc đại nhân, Phật và Bồ-tát; những vị này đã tinh tiến hành đạo, tu tập từ bi và trí tuệ đã cưỡi thuyền pháp thân đến được bến Niết Bàn. Khi trở về lại cõi sinh tử độ thoát cho chúng sanh, các vị đều dùng tám điều giác ngộ ấy để khai mở và chỉ đường cho mọi người, khiến cho chúng sanh ai cũng giác ngộ được cái khổ của sinh tử, lìa bỏ được ngũ dục và hướng tâm vào con đường thánh.
Nếu đệ tử Phật mà thường đọc tụng tám điều này thì mỗi khi quán niệm diệt được vô lượng tội, tiến tới giác ngộ, mau lên chánh giác, vĩnh viễn đoạn tuyệt với sinh tử, thường trú trong sự an lạc.
(Bát Đại Nhân Giác Kinh, 779 tạng kinh Đại Chánh)
KINH HẠNH PHÚC
Như vậy tôi nghe. Bấy giờ đức Phật, ở thành Xá Vệ, vườn Cấp Cô Độc, trời đã vào khuya, có một tiên nhân, hiện xuống thăm ngài, ánh sáng thiên nhân, rực rỡ chói lọi, sáng cả vườn cây, sau khi đảnh lễ, thiên nhân hỏi Phật, bằng kệ nhu vầy:
Trời và người thao thức
Muốn biết về hạnh phúc
Để sống đời an lành
Xin Thế Tôn chỉ dạy
Đức Thế Tôn dạy rằng:
Lánh xa kẻ xấu ác
Được thân cận người hiền
Tôn kính bậc đáng kính
Ấy là chân hạnh phúc
Sống trong môi trường tốt
Được tạo tác nhân lành
Được đi trên đường chánh
Ấy là chân hạnh phúc
Có học có nghề hay
Biết hành trì giới luật
Biết nói lời ái ngữ
Ấy là chân hạnh phúc
Được cung phụng cha mẹ
Yêu thương gia đình mình
Được hành nghề thích hợp
Ấy là chân hạnh phúc
Sống ngay thẳng bô thí
Giúp quyến thuộc, thân bằng
Hành xử không tỳ vết
Ấy là chân hạnh phúc
Tránh không làm điều ác
Không say sưa nghiện ngập
Tinh cần làm việc lành
Ấy là chân hạnh phúc
Biết khiêm cung lễ độ
Tri túc và biết ơn
Không bỏ dịp học đạo
Ấy là chân hạnh phúc
Biết kiên trì phục thiện
Thân cận giới xuất gia
Dự pháp đàm học hỏi
Ấy là chân hạnh phúc
Sống tinh cần tỉnh thức
Học chân lý nhiệm mầu
Thực chúng được Niết Bàn
Ấy là chân hạnh phúc
Chung đụng trong nhân gian
Tâm không hề lay chuyển
Phiền não hết an nhiên
Ấy là chân hạnh phúc
Ai sống được như thế
Đi đâu cũng an toàn
Tới đâu cũng vững mạnh
Ấy là chân hạnh phúc.
(TVHQ)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|