Hình sự

Quản trị viên Dịch vụ - Tư vấn pháp luật
In

Quy định về xử lý hình sự đối với người chưa thành niên

Người chưa thành niên (trẻ em) được xem là người chưa có nhận thức đầy đủ, còn hạn chế về năng lực hành vi. Do vậy khi người chưa thành niên có hành vi phạm tội - việc điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án đều thực hiện theo nguyên tắc, trình tự và thủ tục riêng. Vấn đề này được quy định tại Bộ luật hình sự và Bộ luật tố tụng hình sự.

1. Nguyên tắc xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội

Trẻ em chưa đủ 14 tuổi sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự ( không bị truy tố, đưa ra xét xử) về bất kỳ hành vi nào, kể cả trường hợp hành vi đó có dấu hiệu phạm tội và gây ra hậu quả chết người.

Người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật – với những điều kiện “ưu ái” hơn so với người đã trưởng thành (từ 18 tuổi trở lên).

Người chưa thành niên phạm tội (NCTNPT) có thể được miễn trách nhiệm hình sự, nếu phạm tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng, gây hại không lớn, có nhiều tình tiết giảm nhẹ và được gia đình hoặc cơ quan, tổ chức nhận giám sát, giáo dục.

Khi xét xử, nếu thấy không cần thiết phải áp dụng hình phạt đối với NCTNPT, thì Toà án áp dụng một trong các biện pháp tư pháp được quy định tại Bộ luật hình sự (xem phần sau).

Tòa án không áp dụng hình phạt tù chung thân hoặc tử hình đối với NCTNPT.

Khi áp dụng hình phạt đối với NCTNPT, Tòa án hạn chế việc áp dụng hình phạt tù. Khi xử phạt tù có thời hạn, Toà án cho NCTNPT được hưởng mức án nhẹ hơn mức án áp dụng đối với người đã thành niên phạm tội tương ứng.

Không áp dụng hình phạt tiền đối với NCTNPT từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi.

Không áp dụng hình phạt bổ sung đối với người chưa thành niên phạm tội.

Án đã tuyên đối với NCTNPT chưa đủ 16 tuổi, thì không tính để xác định tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm về sau.

2. Các biện pháp tư pháp áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội

Biện pháp tư pháp không phải là hình phạt, và có tính giáo dục, phòng ngừa, gồm 2 hình thức sau:

- Giáo dục tại xã, phường, thị trấn: Tòa có thể áp dụng từ 1 - 2 năm đối với trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng. Người được giáo dục phải chấp hành đầy đủ những nghĩa vụ về học tập, lao động, dưới sự giám sát, giáo dục của chính quyền cấp xã và tổ chức xã hội được Toà án giao trách nhiệm.

- Đưa vào trường giáo dưỡng: Toà có thể áp dụng biện pháp từ 1 - 2 năm nếu thấy do tính chất nghiêm trọng của hành vi phạm tội, do nhân thân và môi trường sống của người đó mà cần đưa người đó vào một tổ chức giáo dục có kỷ luật chặt chẽ. Nếu đối tượng đã chấp hành 1/2 thời hạn và có nhiều tiến bộ, thì Toà có thể quyết định chấm dứt thời hạn giáo dục theo đề nghị của cơ quan, tổ chức giám sát.

3. Thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên

Thủ tục tố tụng đối với người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo là người chưa thành niên được áp dụng theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Cụ thể như sau:

Quy định về bắt, tạm giữ, tạm giam

Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi có thể bị bắt, tạm giữ, tạm giam nếu có đủ căn cứ nhưng chỉ trong Trường hợp phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.

Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi có thể bị bắt, tạm giữ, tạm giam nếu có đủ căn cứ nhưng chỉ trong trường hợp phạm tội nghiêm trọng do cố ý, phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

Giám sát đối với người chưa thành niên phạm tội

NCTNPT được giao cho cha, mẹ hoặc người đỡ đầu của họ giám sát để bảo đảm sự có mặt khi được triệu tập. Điều này có nghĩa là trong mọi thủ tục tố tụng ( như bắt tạm giam, lấy lời khai, đối chất ...) - đều nhất thiết phải có sự tham gia của người giám hộ (cha mẹ). Người được giao nhiệm vụ giám sát có nghĩa vụ giám sát chặt chẽ người chưa thành niên, theo dõi tư cách, đạo đức và giáo dục người đó.

Quyền bào chữa

Người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo là người chưa thành niên có thể lựa chọn người bào chữa hoặc tự mình bào chữa cho họ.

Trong trường hợp bị can, bị cáo hoặc người đại diện hợp pháp của họ không lựa chọn được người bào chữa thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án phải yêu cầu Đoàn luật sư phân công, cử người bào chữa cho họ.

Việc tham gia tố tụng của gia đình, nhà trường, tổ chức

Đại diện của gia đình người bị tạm giữ, bị can, bị cáo; thầy cô giáo, đại diện của nhà trường, Đoàn thanh niên Cộng sản HCM … có quyền và nghĩa vụ tham gia tố tụng theo quyết định của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án.
Trường hợp người bị tạm giữ, bị can là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi hoặc là người chưa thành niên có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất, thì việc lấy lời khai, hỏi cung phải có mặt đại diện của gia đình, trừ trường hợp cố ý vắng mặt không có lý do chính đáng.

Tại phiên toà xét xử phải có mặt đại diện của gia đình bị cáo, trừ trường hợp cố ý vắng mặt mà không có lý do chính đáng.

Quy định về xét xử

Thành phần HĐXX phải có một Hội thẩm là giáo viên hoặc là cán bộ Đoàn TNCSTPHCM. Trong trường hợp cần thiết, Tòa án có thể quyết định xét xử kín.

Khi xét xử, nếu thấy không cần thiết phải quyết định hình phạt đối với bị cáo thì Tòa áp dụng một trong những biện pháp tư pháp.

Chấp hành hình phạt tù

Không được giam giữ chung người chưa thành niên với người thành niên.

Người chưa thành niên bị kết án phải được học nghề hoặc học văn hóa trong thời gian chấp hành hình phạt tù.
Nếu người chưa thành niên đang chấp hành hình phạt tù đã đủ 18 tuổi thì sẽ chuyển sang chế độ giam giữ người đã thành niên.

4. Các hình phạt được áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội

Gồm: cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ và tù có thời hạn.

• Phạt tiền: Chỉ áp dụng đối với NCTNPT từ đủ 16- dưới 18 tuổi, nếu có thu nhập hoặc có tài sản riêng. Mức phạt tiền không quá 1/2 mức tiền phạt mà điều luật quy định.

• Cải tạo không giam giữ: Khi áp dụng hình phạt này, thì không khấu trừ thu nhập của NCTNPT. Thời hạn cải tạo không giam giữ không quá 1/2 thời hạn mà điều luật quy định.

• Tù có thời hạn: NCTNPT chỉ bị phạt tù có thời hạn khi:

Đối với người từ đủ 16 - dưới 18 tuổi khi phạm tội:

- Nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình: thì mức hình phạt cao nhất không quá 18 năm tù;

- Nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất không quá 3/4 mức phạt tù mà điều luật quy định;
Đối với người từ đủ 14 - dưới 16 tuổi khi phạm tội:

- Nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình: thì mức hình phạt cao nhất không quá 12 năm tù;

- Nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất không quá 1/2 mức phạt tù mà điều luật quy định;

5. Tổng hợp hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội

Đối với người phạm nhiều tội, thực hiện trước và sau khi đủ 18 tuổi, thì việc tổng hợp hình phạt áp dụng như sau:
Nếu tội nặng nhất được thực hiện khi chưa đủ 18 tuổi, thì hình phạt chung không được vượt quá mức hình phạt cao nhất quy định tại Bộ luật hình sự;

Nếu tội nặng nhất được thực hiện khi đủ 18 tuổi, thì hình phạt chung áp dụng như đối với người đã thành niên phạm tội.

6. Giảm mức hình phạt đã tuyên

Trường hợp bị phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù:

Nếu có nhiều tiến bộ và đã chấp hành được 1/4 thời hạn, thì được Toà án xét giảm;

Đối với hình phạt tù, mỗi lần có thể giảm đến 4 năm nhưng phải bảo đảm đã chấp hành ít nhất là 2/5 mức đã tuyên.
Nếu lập công hoặc mắc bệnh hiểm nghèo, thì được xét giảm ngay và có thể được miễn chấp hành phần hình phạt còn lại.

Trường hợp NCTNPT Người chưa thành niên bị phạt tiền nhưng bị lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn kéo dài do thiên tai, hoả hoạn, tai nạn hoặc ốm đau gây ra hoặc lập công lớn, thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát, Toà án có thể quyết định giảm hoặc miễn việc chấp hành phần tiền phạt còn lại.

7. Xoá án tích

Thời hạn để xoá án tích là 1/2 thời hạn được quy định tại BLHS.

Người chưa thành niên phạm tội, nếu được áp dụng những biện pháp tư pháp thì không bị coi là có án tích.